Vụ nghi bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Hội bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh lên tiếng Tất cả trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội công lập |
Phần nổi của “tảng băng chìm”
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em. Tại tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các tư vấn viên nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng chủ yếu liên quan đến bạo lực trẻ em trong các gia đình; cả đánh đập và bạo hành tinh thần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng nêu trên nhưng vẫn tái diễn, đó là: Việc đón trẻ vượt năng lực chăm sóc dẫn đến trẻ không an toàn, không được chăm sóc đầy đủ. Theo quy định, các chủ cơ sở trợ giúp xã hội khi tiếp nhận trẻ phải lập danh sách báo cáo cơ quan chức năng để điều tiết điều phối chuyển tuyến, hoặc phối hợp với chính quyền địa phương chuyển trẻ về với gia đình gốc hoặc tìm gia đình nuôi dưỡng thay thế. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa được nghiêm. Đáng lo ngại, hiện nay có không ít cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác.
Hãy dành cho trẻ những điều tốt nhất. Ảnh: TiNiWorld |
Bên cạnh đó, chúng ta hiện rất thiếu đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Bàn về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, nếu chỉ dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước thì không đủ người để kiểm tra tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội. Vì vậy, cần nhanh chóng triển khai nghề công tác xã hội, thực hành nghề công tác xã hội và phải có đội ngũ là nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Luật Trẻ em 2016 cũng quy định phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách từ cấp xã, phòng ngừa nguy cơ xâm hại từ sớm. Song hiện nay, việc bố trí của địa phương đối với người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã không khả thi, không đáp ứng được yêu cầu của công việc do luật quy định, đặc biệt đối với các vụ việc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc trẻ em đang bị xâm hại. Bởi vì hầu hết các địa phương hiện nay đều giao trách nhiệm làm công tác bảo vệ trẻ em cho công chức lao động thương binh xã hội.
“Theo luật thì không sai nhưng không khả thi. Vì công chức lao động thương binh xã hội phải thực hiện nhiệm vụ của ngành tại cấp xã có đến 10 lĩnh vực khác nhau; riêng công tác bảo vệ trẻ em nếu có nguy cơ hoặc vụ việc xâm hại trẻ em mà diễn biến xảy ra thì đòi hỏi thời gian và quy trình khá đầy đủ, phức tạp. Do vậy họ không có đủ năng lực, thời gian để thực hiện yêu cầu về bảo vệ trẻ em theo luật quy định”, ông Đặng Hoa Nam bày tỏ.
Khuyến khích lắp camera giám sát
Các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, để không tái diễn trường hợp tương tự cần phải có đồng bộ nhiều giải pháp, từ con người đến cơ chế giám sát và mức chế tài vi phạm. Đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ.
Giới chuyên gia cho rằng, nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực có thể diễn ra ở bất kỳ cơ sở chăm sóc tập trung nào, cơ sở trợ giúp xã hội nào, bất luận đó công lập hay ngoài công lập nếu như không có kiểm tra, giám sát thường xuyên các điều kiện theo quy định về chăm sóc trẻ, như điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, con người, quy trình kiểm tra giám sát nội bộ…
Từ thực tế Mái ấm Hoa Hồng từng nhiều lần bị kiểm tra nhưng chưa phát hiện vi phạm, vì vậy bên cạnh kiểm tra định kỳ cần phải tổ chức thêm những cuộc kiểm tra đột xuất và thiết lập hệ thống phản hồi độc lập. Hệ thống này giúp nhân viên và trẻ em ở cơ sở bảo trợ có thể báo cáo hành vi sai trái (qua phương tiện thông tin liên lạc hoặc qua phỏng vấn, gặp gỡ riêng), đảm bảo tính bảo mật và can thiệp nhanh chóng từ các cơ quan chức năng khi có dấu hiệu bạo hành.
Ngoài ra, vai trò giám sát của cộng đồng nên được tăng cường để bổ sung cho các cuộc kiểm tra chính thức. Việc lắp camera giám sát cũng là biện pháp cần được áp dụng trong bối cảnh hiện nay.
Một lần nữa, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, vụ việc như ở Mái ấm Hoa Hồng chỉ là một vụ việc, trong bóng tối, đằng sau mỗi cánh cửa còn nhiều vụ việc khác mà chúng ta chưa phát hiện ra. Vì vậy, các địa phương cần ưu tiên, bố trí nguồn nhân sách để tăng cường dịch vụ bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu về phòng chống xâm hại trẻ em; đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, có trách nhiệm giám sát, theo dõi thường xuyên các trường hợp trẻ em dễ bị xâm hại
"Dưới góc độ luật pháp, dù là luật hay nghị định thì không bao giờ có thể đầy đủ được, bởi theo diễn biến, thời gian, nhu cầu của xã hội cũng như điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thì pháp luật luôn luôn đòi hỏi có sự điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp, cho nên ngay cả Nghị định 103 về điều kiện hoạt động cũng như đình chỉ, chấm dứt hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội cũng cần phải bổ sung làm sao tăng cường được độ giám sát, độ công khai minh bạch và điều kiện an toàn cho trẻ'', ông Đặng Hoa Nam cho biết .
Hiện nay quy định pháp luật chưa bắt buộc các cơ sở trợ giúp xã hội phải lắp camera phục vụ công tác hậu kiểm. Tuy nhiên, Cục Trẻ em sẽ sớm nghiên cứu tham mưu cho cấp thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, nhằm phát hiện sớm trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ em. |