Kích cầu tín dụng nhà ở Mở rộng cửa kích cầu tín dụng |
Với mong muốn sẻ chia, đồng hành cùng khách hàng vượt khó giai đoạn cuối năm 2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa triển khai chương trình cho khách hàng vay kinh doanh thế chấp ngắn hạn với lãi suất ưu đãi từ 8,99%/năm, với hạn mức lên đến 20 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay của các chủ kinh doanh luôn cần nguồn vốn kịp thời để tăng tốc kinh doanh đến 31/12/2023.
Đại diện MSB cho biết, các khách hàng vay kinh doanh ngắn hạn có tài sản bảo đảm sẽ được cấp vốn với lãi suất 9,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng mới hoặc đang vay tín chấp tại MSB khi có nhu cầu vay thêm vốn phục vụ kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất là 8,99%/năm. MSB cũng cung cấp các giải pháp tài chính cá nhân cho các chủ kinh doanh gói vay tín chấp hạn mức liên thông giữa chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp tới 1,5 tỷ đồng...
Ngân hàng tiếp tục “bơm” vốn ưu đãi kích cầu tín dụng cuối năm |
Tương tự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh ra thị trường quốc tế, từ ngày 17/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng.
Theo đó, đối tượng áp dụng của chương trình là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiết bị, xăng dầu, hoá mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…).
Chương trình áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn với phương thức cho vay đa dạng phù hợp với nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng kỳ hạn. Ngoài ưu đãi về lãi suất, các khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỷ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực thủy sản, từ nay đến hết ngày 30/6/2024, các doanh nghiệp thủy sản sẽ được vay vốn tại Agribank với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Ngay sau khi gói này được triển khai, Agribank cũng cam kết tham gia với 3.000 tỷ đồng, miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã được giảm từ 0,5 - 2% so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay ngắn hạn đối với sản xuất kinh doanh hiện từ 5 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến từ 8,5 - 11%/năm.
Dù nhiều ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khó khăn của phần lớn doanh nghiệp hiện nay không đến từ vốn, mà đến từ việc thiếu đơn hàng do sức mua tiêu dùng sụt giảm.
Theo ông Việt, bắt đầu từ quý IV/2022 đến thời điểm hiện tại, các ngành như may mặc, chế biến, chế tạo, xuất khẩu… đều rơi vào khó khăn. Ngành dệt may nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng đã bị ảnh hưởng do tổng cầu sụt giảm. Đối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm khá lớn từ 20-30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022.
Trước bối cảnh đó, ban lãnh đạo công ty đã sử dụng mọi biện pháp, đặc biệt là trong nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới, cùng với đó, tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân. May 10 cũng là một trong số ít những đơn vị ngành may tham gia kinh doanh thời trang công sở trong nước và được người tiêu dùng tin tưởng trong suốt hơn 30 năm qua, chính vì vậy, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, thì thị trường nội địa sẽ là “bến đỗ” đầy tiềm năng. May 10 đã tăng năng lực sản xuất thị trường nội địa 30% so với cùng kỳ.
Về tiếp cận tín dụng, là đơn vị uy tín trong ngành, nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, May 10 không gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, ngân hàng xếp May 10 vào khối doanh nghiệp lớn, uy tín. Tuy nhiên, thời gian qua, May 10 cũng đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Mặt khác, bản thân May 10 cũng sụt giảm nhu cầu về vốn bởi, trong năm 2023 mọi thứ cần giải ngân cho các đơn hàng đều đã giảm, đặc biệt là chi phí đầu vào. Vì vậy, do tổng cầu giảm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp không cao như năm 2022.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng: Giảm lãi chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Quan trọng nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế là không chỉ có chính sách tiền tệ mà phải phối hợp đồng bộ với các chính sách khác để đảm bảo mức độ thẩm thấu, thì việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả.