Ngân hàng thế giới đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng
Tin hoạt động 22/03/2022 10:19
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đạt được mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050.
Trên cơ sở Kế hoạch hành động quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động của ngành để triển khai kế hoạch quốc gia. Theo đó, Kế hoạch ngành sẽ bao gồm các chương trình, nhiệm vụ, dự án tập trung vào các nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, tăng cường thể chế, năng lực thực thi cho các cơ quan quản lý, huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ là những ưu tiên hàng đầu.
“Tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực quốc tế luôn được Chính phủ và Bộ Công Thương quan tâm, ưu tiên thực hiện, do đó trong thời gian tới, Bộ Công Thương rất mong tiếp tục được hỗ trợ, hợp tác từ Ngân hàng Thế giới cho lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại của Việt Nam để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khi hậu, thực hiện các mục tiêu về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết tham gia.” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói trong buổi tiếp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng phương án cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện 8, chú trọng phát triển nguồn điện theo hướng: Đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than; Phát triển điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn; Phát triển mạnh nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; Bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa và đảm bảo dự phòng hợp lý ở từng miền.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn để phát triển ngành điện (theo dự thảo Quy hoạch điện 8) là rất cao, mỗi năm Việt Nam dự tính cần từ 10 - 13 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện, chưa tính đến phương án thay thế các nhà máy điện than bằng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống lưới điện thông minh, hệ thống tích trữ năng lượng và hệ thống thu hồi, lưu giữ carbon.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Ngân hàng thế giới trong quá trình chuyển dịch năng lượng |
Bên cạnh nhu cầu về nguồn lực tài chính để phát triển các dự án giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Việt Nam rất cần được chia sẻ các hỗ trợ kỹ thuật từ các nước tiên tiến.
Cụ thể, Việt Nam sẽ cần hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để nghiên cứu các kịch bản hạn chế xây dựng các nhà máy điện nhiệt điện than; phát triển với tỷ trọng hợp lý các nhà máy nhiệt điện khí có hiệu suất cao, tính linh hoạt cao; xây dựng lộ trình chuyển đổi, phương án thay thế các nhà máy điện than bằng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống lưới điện thông minh, hệ thống tích trữ năng lượng và hệ thống thu hồi, lưu giữ carbon...
Việt Nam cũng cần được hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong triển khai các hoạt động kiểm soát phát thải khí nhà kính ngành Công Thương gồm kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo, đo đạc và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính.
Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới Manuel V.Ferro cam kết WB sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình chuyển dịch năng lượng |
Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho Việt Nam cũng là điều cần thiết để triển khai các cơ chế định giá carbon theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng cũng cũng mong các tổ chức quốc tế, các nước phát triển có thể hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để nâng cao năng lực triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh trạnh, điều tiết giá điện, cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Ngoài ra, các hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cũng là điều cần thiết để thúc đẩy nghiên cứu cơ chế tài chính quốc tế ưu đãi phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng và triển khai các cơ chế hợp tác về giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam cho lĩnh vực năng lượng, công nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ngân hàng Thế giới và bà Manuel V.Ferro kết nối, hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp ngành năng lượng Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện nhằm các mục đích: cung cấp khả năng kết nối năng lượng tái tạo (kể cả dạng phân tán), nâng cao độ tin cậy và chất lượng điện năng, giảm tổn thất điện năng, góp phần đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ COP26. Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng cam kết sẵn sàng phối hợp với Ngân hàng Thế giới cũng như các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế thúc đẩy các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này.
Đánh giá cao các cam kết của Việt Nam tại COP26, bà Ferro khẳng định Ngân hàng thế giới luôn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong các vấn đề khó khăn nhất. Bà cũng thông báo Ngân hàng thế giới đang xây dựng kế hoạch tổng thể trong 5 năm tới và các chuyên gia sẽ làm việc chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để biết nhu cầu sử dụng vốn trong thời gian tới.