Gửi rác rút tiền
Vracbank - Gửi rác rút tiền là mô hình “ATM rác” đầu tiên tại Việt Nam của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC). Dự án được triển khai từ tháng 4/2022 tại các địa bàn như thành phố Hạ Long, Uông Bí, thị xã Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh.
Hiện khối lượng rác thải rắn sinh hoạt của Quảng Ninh được thu gom, xử lý là 1.139,1 tấn mỗi ngày (Ảnh: Thu Hường) |
Ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bao gồm cả đô thị và nông thôn, phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 1.189,1 tấn/ngày (khoảng 434.022 tấn/năm). Trong đó, khối lượng được thu gom, xử lý là 1.139,1 tấn/ngày, đạt 95,8%.
Hiện nay, Quảng Ninh đang vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: 19 cơ sở xử lý bằng phương pháp đốt, compost; 4 khu chôn lấp thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại xã Vũ Oai và Hòa Bình, thành phố Hạ Long; tại phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả; xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu và tại huyện Cô Tô; 1 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thô sơ, kết hợp đốt thủ công tại thôn Xóm Lương, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên.
Để tham gia vào mô hình Vracbank, người dùng sẽ được tạo một tài khoản riêng nhằm quản lý dữ liệu gửi rác. Rác được thu gom, phân loại như giấy bìa carton, chai lọ nhựa, vải vụn, vỏ bao xi măng,… sau đó mang đến “gửi”, “Ngân hàng” sẽ cân trọng lượng rác và quy đổi thành tiền tích lũy vào tài khoản của người gửi và được tính lãi theo các quy định và lãi suất ngân hàng.
QNC là một trong 2 doanh nghiệp của Quảng Ninh thực hiện đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường để thay thế nguyên liệu, nhiên liệu. Rác được thu gom qua mô hình Vracbank sẽ được QNC đưa về đốt trong các lò nung clinker, nếu phát huy hiệu quả, mô hình này với lượng rác đủ lớn và thường xuyên công ty có thể tiết kiệm năng lượng từ 30 - 40%.
QNC thực hiện đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường để thay thế nguyên liệu, nhiên liệu đưa về đốt trong các lò nung clinker (Ảnh: Thu Hường) |
Theo thống kê, từ tháng 4/2022 đến hết tháng 6/2024, Vracbank đã có 2.150 tài khoản tham gia, khối lượng rác được Vracbank thu gom hơn 650 tấn, chi trả hơn 1,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng giám đốc QNC cho biết: Sau khi định lượng và tính thành tiền số lượng rác mang đến gửi, khách hàng sẽ nhận được phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy và nhận tiền hoặc quy đổi ra sản phẩm hàng hoá thiết yếu.
Chương trình có chính sách hỗ trợ để thu hút khách hàng như: Xe vận chuyển tận nhà với số lượng rác lớn, thu mua với giá cao hơn 10 - 15% so với giá thị trường, lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài… Khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy nhưng người dùng chưa rút tiền sẽ được cộng trả lãi suất 1%/năm.
Theo ông Giang, mục tiêu đến năm 2025, chương trình sẽ xây dựng 1.000 điểm thu gom chi nhánh của Vracbank, không chỉ trên địa bàn Quảng Ninh mà còn mở rộng sang các địa phương khác trên cả nước.
"Tại mô hình Vracbank, người dùng được tạo một tài khoản riêng nhằm quản lý dữ liệu gửi rác. Rác được thu gom, phân loại sau đó mang tới “ngân hàng rác” để cân và quy đổi ra thành tiền hoặc điểm tích lũy trong tài khoản”- ông Giang cho biết.
Ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ, trong quá trình sản xuất xi măng tại nhà máy, Ban lãnh đạo công ty đã hình thành ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu than kết hợp với rác thải nhựa, rác thải công nghiệp từ ngành may mặc và giày da. Từ đó, giảm giá nguyên liệu trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, đồng thời xử lý được khối lượng lớn rác thải nhựa, rác thải tái chế trong dân cư và các công trình, nhà máy, khu công nghiệp.
Coi rác thải là tài nguyên
Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - cho biết: “Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại”.
Từ tháng 4/2022 đến hết tháng 6/2024, Vracbank đã có 2.150 tài khoản tham gia (Ảnh: Thu Hường) |
Kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng;…
Theo ông Mai Thanh Dung, mặc dù công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý vẫn còn một số hạn chế nhất định, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang rất được quan tâm, đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng như Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Một số mô hình quản lý chất thải rắn hướng tới kinh tế tuần hoàn đã được triển khai hiệu quả thời gian qua là điển hình cho các địa phương trong cả nước nghiên cứu, tham khảo, và nhân rộng.
Không chỉ có mô hình Vracbank - Đổi rác lấy tiền được triển khai thành công bởi doanh nghiệp, thời gian qua Quảng Ninh cũng đã triển khai “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven vịnh Hạ Long” rất thành công.
Chia sẻ về mô hình này, bà Mai Thuỳ Trang - đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long - cho biết, giải pháp quản lý rác thải trên vịnh Hạ Long được thực hiện đồng bộ, từ công tác thu gom rác trôi nổi trên mặt nước, ven bờ vùng đệm; phân loại rác tại các điểm tham quan; lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh đến tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, khách du lịch, người dân khu vực ven bờ vịnh và ngư dân trên vịnh; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nước về kỹ thuật, kinh phí.
Quảng Ninh tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền phân loại rác tại nguồn (Ảnh: Thu Hường) |
"Nhờ vậy, chất lượng môi trường vịnh Hạ Long ngày càng được cải thiện, các khu vực phát sinh rác thải cơ bản được kịp thời xử lý, ý thức người dân và du khách được nâng cao" - bà Trang cho hay.
Theo ông Đoàn Duy Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030, một trong những nhiệm vụ được Quảng Ninh xác định cần ưu tiên thực hiện là sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để: Đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này cho những địa phương khác, ông Vinh đề nghị cần sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội.