DAT ký kết hợp tác cùng ngân hàng OCB phát triển điện mặt trời tại Việt Nam Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng OCB: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 6.000 tỷ đồng |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, với diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành bất động sản vẫn còn chững, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, người dân cũng gặp khó khăn hơn so với trước… Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và đồng hành từ hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
Năm 2023, OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. |
Chủ động triển khai các chính sách, chỉ đạo từ cơ quan nhà nước, OCB liên tục đưa ra các gói giải pháp, sản phẩm ưu đãi, hỗ trợ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Mới đây nhất, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, OCB đã nhanh chóng tiến hành giảm lãi suất vay hơn 1% cho tất cả các mục đích vay. Lãi suất vay thông thường hiện trong mức 9,5% với ngắn hạn và 10,7% với trung dài hạn.
Ngoài lãi suất thông thường, còn có gói lãi suất ưu đãi với đa dạng kỳ hạn. Khi khách hàng vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn, OCB có các gói ưu đãi cố định lãi suất chỉ từ 7,5% tùy nhu cầu khách hàng.
Đối với khách hàng có nhu cầu mua nhà, ngân hàng xây dựng sản phẩm Khởi đầu An Cư và Dream Home cho khách hàng có nguồn thu cố định với thời gian ân hạn dài đến 60 tháng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%, kỳ hạn ưu đãi đa dạng từ 12 tháng trở lên.
Đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), trong suốt 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã thực hiện hàng loạt chương trình như ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 7,99%/năm đối với VNĐ và giảm 2,7%/năm khi vay USD dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nhóm doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các lĩnh vực là khách hàng mới của OCB sẽ được hưởng gói lãi suất ưu đãi cố định chỉ từ 8,15%/ năm. Các ưu đãi phí dịch vụ trong nước và quốc tế như miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, miễn đến 100% phí chuyển tiền quốc tế và xử lý bộ chứng từ nhờ thu, giảm đến 50% phí phát hành L/C và bảo lãnh, ưu đãi tỷ giá đến 120 điểm... cũng được triển khai đồng thời.
Giải pháp thanh toán số, quản lý dòng thu bằng tài khoản định danh, hay cổng thanh toán trực tuyến… từ OCB đã giúp quản lý tài chính và dòng tiền nhanh chóng, hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu trải nghiệm cho khách hàng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhờ chiến lược tập trung phát triển mảng bán lẻ đồng thời ưu tiên nâng cấp toàn diện chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhóm khách hàng chiến lược, OCB đã và đang cho thấy những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, lũy kế lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu thuần đạt 4.453 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng.
Riêng đối với thu thuần dịch vụ, tăng trưởng 4,2% đạt 374 tỷ nhờ đến từ thẻ và dịch vụ quản lý tài khoản, phù hợp với định hướng đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng. Chỉ tính riêng sản phẩm thẻ, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế ghi nhận sự tăng trưởng 142% so với cùng kỳ 2022. Các sản phẩm như thẻ tín dụng JCB Gold, thẻ tín dụng JCB Platinum, thẻ tín dụng Mastercard Platinum… nhận được sự ưa chuộng rất lớn từ thị trường khi số lượng thẻ phát hành mới trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động cũng được OCB kiểm soát chặt chẽ nhờ chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa vận hành. Theo đó, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) của ngân hàng được cải thiện từ 39,7% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 31,9%. Ngân hàng số OCB OMNI tăng trưởng ấn tượng với số lượng giao dịch tăng gần 60% so với cùng kỳ.
Đối với nền tảng tìm, vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home đã kết nối thêm gần 30.000 môi giới, thêm 40.000 tài sản được đăng tin, đi vào vận hành thành công mobile app dành cho môi giới và mobile app dành cho khách hàng vay. Tính đến tháng 6/2023, đã có gần 500.000 lượt tiếp cận và gần 2.000 hồ sơ đã được giải ngân.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của OCB đạt 211.292 tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt 127.573 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2022.
Thực hiện chủ trương từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc tăng trưởng tín dụng vào sản xuất kinh doanh để hỗ trợ phát triển kinh tế và kiểm soát rủi ro về thanh khoản, giảm tỷ lệ cho vay trung dài hạn, OCB đã chuyển dịch dần cơ cấu cho vay sang các sản phẩm sản xuất kinh doanh ngắn hạn, đảm bảo chỉ số thanh khoản theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo số liệu mới nhất, tổng doanh số giải ngân sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 140% kế hoạch lũy kế, số dư sản xuất kinh doanh tăng 67% so với cùng kỳ 2022, quy mô huy động tại OCB tiếp tục tăng trưởng rõ rệt khi tổng huy động thị trường 1 đạt 147.218 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm 2022. Chỉ tính riêng tiền gửi khách hàng luôn duy trì kết quả khả quan khi đạt 110.456 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 6,8% so với cuối năm 2022, đạt 131.125 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình của ngành (4,7%).
Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý, đảm bảo đáp ứng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) duy trì hiệu quả ở mức 3,8%, tăng so với cùng kỳ.
OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó thúc đẩy hoạt động bán lẻ, đầu tư mạnh về công nghệ số, kiện toàn hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế theo chiến lược 5 năm 2021-2025.