Tối ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bất ngờ thông tin về việc sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.
Thông báo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.
Hơn 1,8 tấn vàng đã được cung ứng ra thị trường qua 6 phiên đấu thầu |
Với mục tiêu bình ổn thị trường vàng, từ 19/4 đến nay đã có 9 phiên đấu thầu được Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Cụ thể, với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC trúng thầu là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được cung ứng ra thị trường.
Hai phiên đấu thầu thành công nhất tính đến thời điểm này là vào ngày 16/5 và 23/5, lần lượt 12.300 và 13.400 lượng vàng được đấu thầu thành công.
Bên cạnh việc tổ chức hàng loạt phiên đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm bình ổn, lành mạnh hóa thị trường vàng trong thời gian này. Trong đó, quyết định nổi bật là thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng với SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, TPBank và Eximbank.
Trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đánh giá, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Tại các phiên thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến cho rằng cần những giải pháp dài hơi hơn để bình ổn thị trường vàng, như đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời sửa đổi quy định của Chính phủ để cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết: “Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý, cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng, vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn. Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Bên cạnh đó, về dài hạn phải sửa Nghị định 24”.