Room tín dụng mới có làm thỏa “cơn khát” vốn của thị trường? |
Việc ngân hàng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) đang là dấu hiệu tích cực cho người dân cũng như chính các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Mặc dù số lượng ngân hàng nới room ở mức độ cho phép, nhưng theo các chuyên gia, sau động thái này thì thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm.
Vốn tín dụng khai thông, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên |
Thị trường ngóng dòng tiền
Mấy ngày trước, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông tin việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Như vậy, sau vài tháng chờ đợi, một số tổ chức tín dụng được tăng room tín dụng. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong một báo cáo của SSI Research đã nhận định, việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ với Lao Động, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Theo ông Thịnh thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn vì thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân do hết room.
“Thực tế, vừa qua rất nhiều doanh nghiệp than thở về việc thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân. Trong bối cảnh nền kinh tế đang giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, việc nới tín dụng giải tỏa rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp” - vị này nhấn mạnh.
Giải tỏa cơn khát thị trường bất động sản?
Trước khi ngân hàng đưa ra thông báo này, nhiều diễn đàn nhà đất đã liên tục chia sẻ các bài viết về khả năng nới room như một tín hiệu tích cực đối với thị trường các tháng cuối năm. Bởi trong bối cảnh thị trường “trầm” hẳn sau động thái giám sát chặt chẽ tín dụng, thì thông tin này đem nhiều kỳ vọng cho cả người mua nhu cầu ở thực, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông - đánh giá động thái mới của ngân hàng về room tín dụng là thông tin đáng chú ý với thị trường bất động sản, trong bối cảnh lĩnh vực này đang rất khó khăn về nguồn vốn. Nhiều khách hàng, doanh nghiệp trong trạng thái thấp thỏm chờ giải ngân từ phía ngân hàng như “nắng hạn chờ mưa”.
Thực tế, đối với doanh nghiệp bất động sản dòng vốn rất quan trọng tác động trực tiếp đến sản phẩm và đầu ra. Nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường.
Theo ông Tuấn, nếu chính sách tín dụng không hợp lý còn làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm…), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế...
Trong khi đó, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cũng cho rằng, thông tin mới room tín dụng rất được thị trường quan tâm. Khi thị trường bất động sản ấm lên, duy trì tích cực thì ngành xây dựng sẽ có việc làm.
“Chủ đầu tư mà không vay được vốn để hoạt động kinh doanh thì cũng không thể trả nợ cho các nhà thầu, kéo theo khó khăn dây chuyền. Với các dự án tốt, chủ đầu tư uy tín thì không có lý do gì kiểm soát chặt” - ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho rằng, “nới” cho các đối tượng mua nhà nhu cầu ở thực là cần thiết, thúc đẩy thị trường. “Vốn ngân hàng cứ để đó thì gây lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội và gây khó khăn cho chính hệ thống ngân hàng” - ông Hải nhấn mạnh, việc điều chỉnh tín dụng thận trọng nhưng phải trên cơ sở thực tế thị trường.
Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển cũng đã nêu rõ “không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước”. Đồng thời việc điều hành phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại. |