Nga vây siết ‘tử huyệt’ Pokrovsk, miền Đông Ukraine chìm trong khói lửa
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn một thị trấn ở miền Đông Ukraine khi lực lượng Moscow tiến vào thành phố chiến lược quan trọng Pokrovsk và tìm cách xuyên thủng tuyến phòng thủ của Ukraine.
Khung cảnh hoang tàn ở Pokrovsk. Ảnh: Reuters |
Ngày 8/9, lực lượng Nga đã kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và đang tiến vào miền đông Ukraine với tham vọng kiểm soát toàn bộ vùng Donbass. Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội nước này chỉ còn cách thành phố Pokrovsk khoảng 7km.
Quân đội Moscow đã chiếm được thị trấn Novohrodivka, nằm cách Pokrovsk 12 km, đây là trung tâm đường sắt và đường bộ “mang tính chiến lược” của lực lượng Ukraine trong khu vực và từng là nơi sinh sống của 14.000 người trước khi chiến tranh nổ ra.
Ông Yuri Podolyaka, một blogger quân sự thân Nga gốc Ukraine có tầm ảnh hưởng đã công bố các bản đồ cho thấy lực lượng Nga tấn công bên ngoài Novohrodivka ở ít nhất hai địa điểm cách Pokrovsk chưa đầy 7 km.
Trong báo cáo công bố tối 8/9, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đã cung cấp thông tin chi tiết về cuộc giao tranh trên khắp khu vực Pokrovsk, bao gồm cả Novohrodivka. Kiev tuyên bố đã đẩy lùi 29 cuộc tiến công của Nga, cùng với 7 cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn. "Quân đội Ukraine đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng thủ tại các vị trí chiến lược", báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, theo thông tin từ cuộc phỏng vấn với một sĩ quan Ukraine trên Đài phát thanh Liberty do Hoa Kỳ tài trợ, lực lượng Ukraine đã từ bỏ mặt trận Novohrodivka với lý do “vị trí tại mặt trận này không thuận lợi cho việc phòng thủ”.
Theo các chuyên gia quân sự, mặt trận Pokrovsk là nơi có một nhà ga xe lửa và đóng vai trò như "cổng vào" Donbass. Đường cao tốc T0504 chạy qua thành phố, là tuyến đường hậu cần quan trọng cho binh lính Ukraine di chuyển giữa Pokrovsk và các vùng phía trên của tỉnh Donetsk – như Kramatorsk và Sloviansk. Quân đội Nga tiến đến rất gần con đường này vào mùa xuân năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk không thể cản được bước tiến của Nga ở miền Đông Ukraine. Moscow đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Kiev dọc theo tiền tuyến.”
Lực lượng Moscow hiện đã kiểm soát khoảng 80% tỉnh Donbass. Các chuyên gia quân sự tại Mỹ là Michael Kofman và Rob Lee cho rằng, với tốc độ tiến công dữ dội gần đây của Nga ở mặt trận phía đông, Ukraine dường như đang phải “trả giá” ở những điểm nóng khác của cuộc xung đột khi nước này phát động cuộc tấn công xuyên biên giới táo bạo nhất từ trước đến nay vào Nga.
UAV ‘rồng lửa’ của Ukraine tung hỏa lực tại Kharkiv
Theo RT, nhiều báo cáo mới đây cho thấy, Ukraine dường như đang huy động các phi đội máy bay không người lái (UAV) "rồng lửa" sử dụng hợp chất nhiệt nhôm (thermite) nhằm giành lại ưu thế trước Nga trên chiến trường. Các loại đạn gây cháy này được phát triển ở Đức và được Đức Quốc xã cũng như phía đồng minh sử dụng rộng rãi trong Thế chiến thứ hai.
UAV "rồng lửa" của Ukraine thả thermite tại một khu rừng ở Kharkov. Ảnh: RT |
Theo nguồn tin, một số kênh Telegram của Ukraine đã công bố các video cho thấy các thiết bị bay không người lái phun lửa tầm thấp nhắm vào các vị trí của Nga ở các khu vực rừng rậm tại Kharkiv.
Được biết, loại đạn này có thể bốc cháy với nhiệt độ lên tới 2.200 độ C, có thể xuyên thủng kim loại hoặc nhanh chóng phá hủy thảm thực vật che chắn cho binh sĩ. Theo luật pháp quốc tế, các loại vũ khí gây cháy như nhiệt nhôm, bom napalm và phốt pho trắng không bị cấm trong các cuộc chiến tranh.
Trong Thế chiến thứ hai, cả Đức Quốc xã và đồng minh đều dựa vào bom thermite, chủ yếu được thả vào ban đêm vì không cần độ chính xác. Các loại đạn gây cháy này đã gây thiệt hại lớn cho nhiều thành phố trong suốt cuộc chiến vì chúng thường gây ra các vụ hỏa hoạn dữ dội.
Đầu tuần này, Tiến sĩ Iain Overton, Giám đốc điều hành của Tổ chức phi chính phủ Anh chống bạo lực vũ trang (AOAV), đã cảnh báo trên mạng xã hội X rằng việc sử dụng rộng rãi bom thermite làm tăng khả năng các loại vũ khí này được triển khai ở các khu vực đông dân cư. Hậu quả có thể rất thảm khốc, với những thương tích khủng khiếp và mất mát cả về con người.
Ông Nicholas Drummond, nhà phân tích ngành công nghiệp quốc phòng và cựu sĩ quan Quân đội Anh nói rằng, “UAV rồng lửa của Kiev có thể gây tác động về mặt tâm lý nhiều hơn là gây thiệt hại. Ukraine chỉ sở hữu khả năng hạn chế để tạo ra hiệu ứng nhiệt nhôm, vì vậy đây là năng lực ưu tiên chứ không phải là một loại vũ khí chính thống mới.”
Về phần mình, hôm 6/8, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã nói với hãng thông tấn Tass rằng Nga đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sử dụng thiết bị bay không người lái quân sự trong bối cảnh xung đột với Ukraine.
“Rõ ràng là chúng ta đã đạt được bước tiến lớn trong lĩnh vực này. Khi nhắc đến thiết bị bay không người lái, Nga là quốc gia dẫn đầu. Đây là một sự thật không thể phủ nhận, đơn giản có thể nhìn vào các sự kiện gần đây. Những kỹ năng này sẽ phục vụ tốt cho quân đội Moscow”, ông nhấn mạnh.
Hezbollah dội ‘mưa’ rocket vào các căn cứ quân sự của Israel
Theo CNN, đêm 8/9, lực lượng Hezbollah đã tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự của Israel gần biên giới Lebanon. Trong đoạn video được Lực lượng Hezbollah vừa công bố, các cuộc tấn công vào căn cứ quân sự Biranit của Israel đã phá hủy thiết bị do thám của Israel tại khu vực biên giới Barkat Risha và al-Jardah.
Khói bốc lên ở biên giới Israel - Lebanon sau cuộc tấn công của Hezbollah. Ảnh: CNN |
Hàng chục tên lửa đã được phóng từ Lebanon vào khu vực miền bắc Palestine bị chiếm đóng. Các cuộc tấn công diễn ra ngay sau khi còi báo động vang lên tại một số khu định cư của Israel như Kiryat Shmona, Meskav-am, al-Manara và Kfar Giladi. Đây được xem là hành động trả đũa sau vụ 3 nhân viên cứu trợ Lebanon bị thiệt mạng.
Trước đó, Bộ Y tế Lebanon cho biết 3 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng khi đang dập tắt đám cháy do các cuộc tấn công gần đây của Israel gây ra tại làng Froun ở miền Nam Lebanon. Ngoài ra, còn có 2 người khác bị thương, trong đó một người trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, lực lượng Hezbollah cũng mở rộng cuộc tấn công từ hướng tây bắc Lebanon vào miền trung Syria. Các cuộc không kích của Israel đã giết chết 3 người và làm ít nhất 15 người khác bị thương.
Hãng thông tấn Syria dẫn nguồn tin quân sự cho biết: "Quân đội Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên không từ hướng tây bắc Lebanon, nhắm vào một số địa điểm quân sự ở khu vực miền trung vào khoảng 8 giờ 30 tối ngày 8/9.”
Bộ Y tế Lebanon đã lên án vụ tấn công này, coi đó là hành động nhắm vào cơ quan của chính phủ nước này. Hiện quân đội Israel chưa có phản ứng về các cuộc tấn công của Hezbollah.
Vụ xả súng đẫm máu khiến 3 người thiệt mạng tại cửa khẩu giữa Bờ Tây và Jordan
Theo Politico, một vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại biên giới Allenby Bridge giữa Bờ Tây và Jordan đã khiến 3 người Israel thiệt mạng. Cảnh sát Israel xác nhận đã tiêu diệt nghi phạm. Đây là vụ tấn công đầu tiên dọc biên giới với Jordan kể từ khi nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine tiến hành cuộc tấn công vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023, châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Thông tin từ cơ quan cứu hộ Magen David Adom của Israel, vụ nổ súng nói trên xảy ra tại một khu vực vận chuyển hàng hóa thương mại do Israel kiểm soát, nơi xe tải của Jordan dỡ hàng vào Bờ Tây. Jordan gọi biên giới Allenby Bridge là King Hussein Bridge, nằm giữa thủ đô Amman của Jordan và Jerusalem, phía Bắc của Biển Chết.
Quân đội Israel thông tin: "Nghi phạm đã tiếp cận khu vực Allenby Bridge từ Jordan trên một chiếc xe tải, bước ra khỏi xe và nổ súng vào lực lượng an ninh Israel đang làm nhiệm vụ trên cầu. Đối tượng đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt, 3 công dân Israel đã thiệt mạng sau vụ tấn công".
Theo Cơ quan quản lý sân bay Israel, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Israel đã đóng cửa cả 3 cửa khẩu biên giới đất liền với Jordan. Một quan chức ở biên giới Jordan cho biết ít nhất 24 tài xế xe tải người Jordan ở khu vực dỡ hàng đã bị quân đội Israel bắt giữ để thẩm vấn.
Israel - Jordan đã ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994 và có mối quan hệ an ninh chặt chẽ. Hàng chục xe từ Jordan qua lại Israel mỗi ngày, chở theo hàng hóa từ Jordan và vùng Vịnh để cung cấp cho cả thị trường Bờ Tây và Israel.
"Thực sự là một ngày đau buồn. Một tên khủng bố máu lạnh đã sát hại 3 dân thường của chúng ta" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump và bà Harris đang cạnh tranh sít sao
Theo Reuters, càng tiến về giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt là thời điểm trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên dự kiến diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia vào ngày 10/9, cuộc cạnh tranh giữa ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump và bà Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, càng gay cấn và sít sao.
Theo kết quả của cuộc khảo sát mới đây nhất do tờ New York Times và Siena College thực hiện, vừa được công bố vào ngày 8/9, ông Trump hơn bà Harris 1 điểm phần trăm, đạt mức 48% so với 47% của đương kim Phó Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, với biên độ sai số 3%, điều này có nghĩa là bất cứ ứng cử viên nào cũng có thể giành chiến thắng, và cách biệt mà ông Trump tạo được so với đối thủ là vô cùng mong manh.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy cử tri Mỹ cần có thêm thông tin về bà Harris, trong khi ý kiến của công chúng về cựu Tổng thống Mỹ Trump gần như đã được xác định. Có 28% số người được hỏi cho biết họ cần có thêm thông tin về Phó Tổng thống Harris, trong khi chỉ 9% có ý kiến như vậy về ông Trump.
Kết quả khảo sát này càng cho thấy cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris dự kiến diễn ra vào ngày 10/9 tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội để bà Kamala Harris công bố chi tiết hơn về các chính sách tranh cử, nhưng cũng là cơ hội để ông Donald Trump củng cố các luận điểm của mình. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng với sự cạnh tranh sít sao như hiện nay, chỉ cần một lợi thế nhỏ cũng có thể đem lại kết quả tốt cho cả ông Trump cũng như bà Harris.