Bộ Quốc phòng làm việc với Quân chủng Hải quân về đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân quý I/2024 Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “4 không” |
Đảm bảo vũ khí cho kháng chiến chống Mỹ
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), với âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Giai đoạn này, vũ khí của Quân đội ta chủ yếu là súng trường, trung liên, lựu đạn và súng cối 81mm, phần lớn chất lượng rất kém, chủng loại không đồng bộ, tính năng kỹ thuật lạc hậu. Trong khi đó, cơ sở sửa chữa ít ỏi, toàn quân chỉ có 13 xưởng vũ khí, xe máy và 6 xưởng sản xuất thuốc nổ. Nhiệm vụ đảm bảo vũ khí cho các lực lượng vũ trang của ta chiến đấu với một kẻ thù có tiềm lực về kinh tế, quân sự mạnh bậc nhất thế giới đã đặt ra cho ngành Quân giới những yêu cầu mới hết sức nặng nề.
Công nhân Xưởng Liên khu 5 sửa chữa súng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu |
Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) nhanh chóng bố trí lại các binh công xưởng trên những địa bàn chiến lược, sẵn sàng sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang.
Tổng cục Cung cấp đã chỉ đạo Cục Quân giới tổ chức lại biên chế từ 13 xưởng giảm xuống còn 9 xưởng sản xuất, chủ yếu làm nhiệm vụ sửa chữa súng, pháo. Tiến hành kiểm kê, dồn dịch, phân loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, cùng với số hàng viện trợ quý báu từ các nước và sự nỗ lực khắc phục khó khăn trong sửa chữa vũ khí của ngành Quân giới, đã từng bước cung cấp kịp thời vũ khí, trang bị cho bộ đội đánh địch.
Năm 1957, Phòng Kỹ thuật thuộc Cục Quân giới được thành lập. Nhiệm vụ của Phòng Kỹ thuật là tổ chức nghiên cứu và tham mưu cho Cục Quân giới về công tác sửa chữa vũ khí, khí tài; đồng thời tập trung lực lượng tổ chức nghiên cứu và chỉ đạo sản xuất các bộ phận thay thế cho súng, pháo.
Trong 2 năm (1957-1958), Ban Vũ khí thuộc Phòng Kỹ thuật (Cục Quân giới) đã thiết kế được 150 bộ phận thay thế đưa vào sản xuất kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sửa chữa và các đơn vị kỹ thuật.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác sửa chữa, phục hồi thiết bị, vũ khí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, Cục Quân giới đã xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài của ngành. Các nhà máy sản xuất đạn K56 và K53; nhà máy sản xuất đạn cối 60, 82 và 120 mm; nhà máy sản xuất súng, đạn chống tăng; nhà máy sản xuất súng tiểu liên, trung liên, đại liên, các loại súng nòng trơn, sản xuất hỏa cụ, quân cụ, phụ tùng thay thế, từng bước được xây dựng.
Đồng thời, nâng cấp Xưởng Z1 thành Nhà máy Z1 (nay là Nhà máy Z111), mở rộng quy mô sản xuất lên 15.000 khẩu súng trường và tiểu liên, 5.000 khẩu súng trung liên và đại liên; nâng cấp Xưởng Z2 lên thành Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113), chuyên sản xuất các loại đạn súng bộ binh và lựu mìn. Tại Xứ ủy Nam Bộ, năm 1957, thành lập xưởng Quân giới đầu tiên ở Chàng Riệc (Tây Ninh). Cũng từ xưởng Quân giới đầu tiên ở Chàng Riệc, về sau khu vực Nam Bộ phát triển thêm nhiều xưởng Quân giới vừa có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, khí tài, vừa là nơi tiếp nhận vũ khí, trang bị kỹ thuật từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam đánh địch.
Đến cuối năm 1960, hệ thống sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của toàn quân có 4 xưởng đại tu bộ phận, 40 trạm trung tu pháo, 1 trạm trung tu của sư đoàn bộ binh, 37 trạm tiểu tu súng bộ binh, 4 trạm sửa chữa quang học, 1 trạm sửa chữa máy chỉ huy và ra-đa, 33 trạm tiểu tu cấp tỉnh, 1 xưởng đại tu, trung tu xe ô tô, 1 xưởng đại tu xe con, xe mô tô. Các xưởng đại tu, trung tu xe ngoài nhiệm vụ sửa chữa xe phục vụ quân đội ta còn làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào.
Đến cuối năm 1960, toàn quân có 4 xưởng đại tu bộ phận, 40 trạm trung tu pháo, 1 trạm trung tu của sư đoàn bộ binh, 37 trạm tiểu tu súng bộ binh, 4 trạm sửa chữa quang học, 1 trạm sửa chữa máy chỉ huy và ra-đa, 33 trạm tiểu tu cấp tỉnh, 1 xưởng đại tu, trung tu xe ô tô, 1 xưởng đại tu xe con, xe mô tô.
Nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô cũng như tinh thần ham học hỏi, cải tiến vũ khí, ngành Quân giới cũng góp công lớn vào Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” đã tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu |
Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của ngành Quân giới thì ở các địa phương Nam Bộ còn bố trí một số thợ quân giới, cơ khí có trình độ tay nghề cao ém sẵn trong các thành phố, thị xã với danh nghĩa thợ bạc, thợ tiện, thợ sửa chữa ô tô trong các hãng xe Trường Xuân, xưởng Hiệp Lợi, xưởng mộc Vạn Xương… khi cần sẽ được huy động bí mật sửa chữa vũ khí phục vụ lực lượng vũ trang đánh địch.
Chính nhờ sự nỗ lực, cố gắng của ngành Quân giới trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật, cùng với số vũ khí viện trợ của các nước, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1960), đã nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang trên các mặt trận, đánh bại mọi âm mưu, chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nỗ lực cải tiến, chế tạo hàng loạt vũ khí trong kháng chiến chống Mỹ
Để tạo nguồn vũ khí cung cấp kịp thời cho chiến trường miền Nam, Bộ Quốc phòng chủ trương phải tận dụng triệt để nguồn vũ khí chiến lợi phẩm thu được của thực dân Pháp trước đây. Do vậy, tháng 3/1962, Cục Quân giới đã giao nhiệm vụ cải biên súng tiểu liên Tuyn (của Pháp) cho các nhà máy để gửi gấp vào chiến trường. Ban Kỹ thuật đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật của các nhà máy nghiên cứu cải biên súng tiểu liên Tuyn. Công việc bắt đầu từ thay nòng súng sử dụng đạn cỡ 9mm để có thể bắn được đạn súng K50 cỡ 7,62mm; làm lại đầu ngắm và sửa lại băng đạn để lắp được 32 viên đạn K50. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cán bộ nghiên cứu với công nhân sản xuất, chỉ trong thời gian ngắn, súng tiểu liên Tuyn đã được cải biên thành công.
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam là chiến dịch mà quân đội ta huy động lực lượng, phương tiện và phương thức vận tải phục vụ chiến dịch với quy mô lớn nhất trong chiến tranh. Ảnh: Tư liệu |
Cùng với đó, Ban Kỹ thuật đã tham gia nghiên cứu cải biên súng tiểu liên K50 với yêu cầu tạo hình dáng bên ngoài giống tiểu liên Tuyn, đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang miền Nam. Sau khi được cải biên, súng có kết cấu gọn nhẹ, thuận tiện trong vận chuyển và chiến đấu nhưng vẫn giữ được tính năng của tiểu liên K50.
Trong 2 năm (1962-1963), hơn 2.000 súng tiểu liên Tuyn và gần 7.000 súng K50 đã được chuyển vào miền Nam, góp phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Cũng trong thời gian này, nhu cầu vũ khí của chiến trường miền Nam rất lớn nhưng theo Hiệp định Giơnevơ, chúng ta không thể đưa vũ khí của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ vào miền Nam, do lo ngại Mỹ - Ngụy sẽ kiếm cớ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Trước tình hình đó, cuối năm 1961, Bộ Tổng Tham mưu đã giao nhiệm vụ cho Cục Quân giới tập trung nghiên cứu chế tạo ra một loại vũ khí có tính năng tương tự như súng chống tăng B40 của Liên Xô.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến hành rất nhiều cuộc thử nghiệm đến giữa năm 1963, Cục Quân giới quyết định sản xuất thử lô đầu tiên súng, đạn B50. Nhà máy Z1 (nay là Nhà máy Z111) được giao nhiệm vụ sản xuất súng và các chi tiết cơ khí của đạn; Nhà máy Z2 sản xuất hạt lửa, ống nổ và nhồi lắp đạn.
Ngày 26/8/1963, cuộc bắn thử tổng hợp CT62 đã được tổ chức tại Trường bắn Quốc gia. Qua bắn thử, súng đạn B50 đã đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tầm bắn xa nhất 150 m; tầm bắn hiệu quả 100 m; độ xuyên thép 320 mm; độ xuyên bê tông 750 mm. Với kết quả trên, đầu năm 1964, B50 được Cục Quân giới đưa vào sản xuất loạt “0” gồm 54 khẩu súng và 3.726 viên đạn. Năm 1965, Nhà máy Z1 và Nhà máy Z2 sản xuất được một số súng, đạn B50 và gửi ngay vào chiến trường miền Nam.
Tiếp đó, để chống xe tăng và xe bọc thép của Mỹ - Ngụy, giữa năm 1963, Cục Quân giới giao cho Ban Kỹ thuật nghiên cứu cải tiến đạn AT. Cuối năm 1963, đạn AT được Cục Quân giới đưa vào sản xuất loạt “0” tại Nhà máy X10 và bắn thử nghiệm ổn định, đạt sơ tốc 50 m/s, tầm bắn hiệu quả 50 m, độ xuyên thép 100 mm. Cục Quân giới giao cho Nhà máy X10 và Nhà máy Z2 phối hợp sản xuất phục vụ chiến trường miền Nam.
Bên cạnh đó, Ban Kỹ thuật còn thiết kế và đưa vào sản xuất các loại ống phóng AT lắp với súng trường Mỹ; ống phóng lắp với súng trường K44; thước ngắm bắn đạn AT của Mỹ, một loại thước ngắm mới lắp với súng trường CKC… kịp thời trang bị cho các lực lượng vũ trang đánh địch.
Bằng tinh thần tự chủ, sáng tạo, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngành Quân giới không những đã tạo ra được nhiều loại vũ khí đáp ứng yêu cầu tác chiến của chiến trường, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của các lực lượng vũ trang mà còn làm giàu thêm vốn kinh nghiệm của ngành trong bảo đảm kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân 30/4/1975.