Nga giới thiệu tên lửa 'có một không hai' trên thế giới
Đức nâng cấp hệ thống phòng thủ chống UAV cung cấp cho Ukraine; Nga phát triển tên lửa đầu tiên trên thế giới có khả năng tự dẫn bằng hình ảnh… là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Đức nâng cấp hệ thống phòng thủ chống UAV cung cấp cho Ukraine
Xe phòng không tầm thấp (KDV), một hệ thống chiến đấu được thiết kế để chống lại máy bay không người lái (UAV) lần đầu tiên được ra mắt tại triển lãm Enforce Tac ở Đức.
Theo trang tin quân sự Defense Network, 12 hệ thống KDV đã được chuyển giao đến Kyiv vào tháng 12/2024. Sau khi nhận được phản hồi về sản phẩm, các nhà thiết kế từ Dehl Defence đã cải tiến hệ thống. Sản phẩm này được thiết kế để bảo vệ quân đội và cơ sở hạ tầng khỏi các loại UAV cỡ nhỏ và vừa.
Hệ thống này, dựa trên khung gầm của xe SUV Enok MBB hai cầu, được trang bị mô-đun chiến đấu R400S Slinger từ Electro Optic Systems với súng máy GAU-19. Để phát hiện mục tiêu, hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) có chức năng ngắm ngày và đêm, cũng như máy đo khoảng cách bằng laser được sử dụng. Hệ thống kiểm soát hỏa lực đã được tích hợp các yếu tố trí tuệ nhân tạo, cho phép tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu. Hệ thống quang học được bổ sung thêm radar EchoGuard cỡ nhỏ.
Nhiều quốc gia phương Tây đang sử dụng chiến trường Ukraine là nơi thử nghiệm và hoàn thiện vũ khí. Ảnh: Getty |
KDV có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.500m và máy bay không người lái nhỏ có thể được phát hiện ở khoảng cách 550m.
Đầu tháng 2/2025, Tạp chí Army Recognition thông tin quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng không tầm ngắn cơ động (M-SHORAD) dựa trên kinh nghiệm từ các hoạt động chiến đấu ở Ukraine.
Nga phát triển tên lửa đầu tiên trên thế giới có khả năng tự dẫn bằng hình ảnh
Hãng thông tấn TASS đăng tải, tên lửa đầu tiên trên thế giới có khả năng tìm kiếm mục tiêu bằng máy quay hình ảnh đã được chế tạo tại Chelyabinsk. Nhà thiết kế Alexander Rodikov đã chia sẻ về phát minh của mình.
Theo chuyên gia này, tên lửa này chưa có phiên bản tương tự trên thế giới, nó có thể phóng từ mặt đất hoặc trên không và bay theo quỹ đạo đặc biệt.
Tên lửa mới của Nga có khả năng dẫn đường hoàn toàn bằng hình ảnh. Ảnh: Rian |
Ông Rodikov giải thích: “Chúng tôi đã phát triển thành công một tên lửa dẫn đường có đầu tự dẫn, có trọng lượng chỉ bằng một nửa tên lửa truyền thống và rẻ hơn nhiều lần so với tất cả các tên lửa cùng loại có trong trang bị của quân đội Nga”.
Tên lửa mới có thể bay đến mục tiêu ở chế độ im lặng toàn dải sóng vô tuyến, sử dụng camera dẫn đường và di chuyển ở độ cao thấp nhất có thể, bám theo bề mặt địa hình.
Trước đó, công ty ZALA, đơn vị sản xuất máy bay không người lái cảm tử Lancet, có kế hoạch tăng phạm vi hoạt động của UAV bằng cách nâng cấp pin.
Malaysia tăng cường sức mạnh hải quân bằng tàu đổ độ đa năng MRSS
Theo truyền thông Malaysia, Bộ Quốc phòng nước này có kế hoạch công bố đấu thầu mua hai tàu hỗ trợ đa năng MRSS (Tàu hỗ trợ đa năng) vào tháng 10/2025. Một số công ty đóng tàu hàng đầu thế giới đã bày tỏ sự quan tâm đến đợt đấu thầu sắp tới.
Việc mua 2 tàu MRSS cho Hải quân Malaysia được thực hiện theo Kế hoạch Malaysia lần thứ 13 (RMK-13), sẽ bắt đầu vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2030. Hải quân Malaysia dự kiến sẽ mua chiếc MRSS thứ 3 theo chương trình RMK-14 (2031-2035).
Malaysia đang có nhu cầu về các tàu độ bộ đa năng mới. Ảnh: Defense News |
Theo cựu Tư lệnh Hải quân Malaysia, Đô đốc Datuk Abdul Rahman Ayob, Hải quân Malaysia đang rất cần tàu MRSS. Do vị trí địa lý của đất nước bị chia cắt thành hai khu vực bởi Biển Đông, Hiện nay, tàu hỗ trợ hậu cần 4.200 tấn (1503) Indera Sakti và (1504) Mahawangsa được sử dụng để vận chuyển và hỗ trợ hậu cần, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Gói đấu thầu tàu MRSS dự kiến sẽ có sự tham gia của Hyundai Heavy Industries (HHI) của Hàn Quốc, PT PAL của Indonesia, Damen của Hà Lan, Naval Group của Pháp, CSOC của Trung Quốc, Mitsui của Nhật Bản và TAIS của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chương trình hiện đại hóa Hải quân Malaysia dự kiến sẽ mua 3 tàu hỗ trợ đa năng (MRSS), trong đó hai tàu đầu tiên dự kiến sẽ đưa vào phục vụ trong giai đoạn 2021-2025 và tàu thứ ba vào khoảng năm 2035. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, lịch trình này đã phải được sửa đổi.
Vào tháng 4/2023, Tổng tư lệnh Hải quân Malaysia, Đô đốc Datuk Abdul Rahman Ayob cho biết việc mua MRSS phải hoãn lại để giải phóng kinh phí mua sắm các tài sản khác quan trọng hơn, bao gồm Tàu nhiệm vụ ven biển (LMS) mới và tàu tuần tra ven biển thế hệ thứ hai (SGPV-LCS).