Đại biểu Quốc hội "hiến kế" tăng "sức khỏe" cho doanh nghiệp Quốc hội xem xét, quyết định chuyên đề giám sát năm 2025 |
Sáng 30/5 tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Tờ trình số 824/TTr-UBTVQH15 ngày13/5/2024 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (sau đây gọi là Chương trình) năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024 và hồ sơ kèm theo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 30/5 (Ảnh: quochoi.vn) |
Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Điện lực sửa đổi được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cùng với 7 luật khác.
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 19 nghị quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 01 pháp lệnh, 07 nghị quyết, đưa tổng số văn bản lập pháp của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 32 luật, 04 pháp lệnh và 59 nghị quyết quy phạm pháp luật.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh cũng như tác động bởi diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực; năm 2023 cũng là năm trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, năm đầu triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương.
‘Do đó, nhiều yêu cầu thực tiễn phát sinh đòi hỏi cần kịp thời giải quyết, dẫn đến số lượng các dự án phải xem xét, thông qua tăng lên nhiều, trong đó có những dự án lớn, phức tạp, tác động sâu rộng, nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận, cử tri và nhân dân’- Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh tư liệu: quochoi.vn) |
Các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình là các dự án nhằm nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
‘Không bổ sung dự án vào chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn hoặc theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền’- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Trong đó đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo, đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh chương trình năm 2024 dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cùng với 7 dự án luật khác gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi);Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay: Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, tuy nhiên nhận thấy đây là dự án Luật lớn, nội dung phức tạp nên để bảo đảm chất lượng, đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình tại 2 kỳ họp, là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
"Trường hợp dự án Luật được chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận đạt sự đồng thuận cao thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp"- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thông tin.