Ảnh minh họa |
Ông Tô Hoài Nam cho rằng, thương hiệu là yếu tố sống còn của mỗi DN, đặc biệt là các DNNVV trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới như hiện nay. Song, để xây dựng thương hiệu tốt, thì việc đầu tiên, cũng là việc quan trọng nhất mà DN phải quyết tâm đó chính là đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ (KH&CN). Vì KH&CN chính là nền tảng để DN tạo ra những sản phẩm tốt, có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. KH&CN cũng là yếu tố cốt lõi, giúp DN hình thành quy trình sản xuất hoàn chỉnh, với chi phí thấp hơn, giá thành phù hợp và không gây môi trường.
Theo ông Tô Hoài Nam, nếu DN muốn hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới và khu vực, chinh phục được người tiêu dùng ở những thị trường lớn như châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản,… thì cần phải quan tâm đến vấn đề môi trường. Bởi tại các quốc gia này, môi trường là yếu tố rất quan trọng, khi xem xét mua hàng, người tiêu dùng bên cạnh yêu cầu những sản phẩm có chất lượng, phù hợp thị hiếu, còn tìm hiểu về văn hóa DN và cách DN ứng xử với môi trường sống. Trong đó, muốn tạo ra những sản phẩm tốt, không ảnh hưởng xấu đến môi trường thì không có cách nào khác là phải đầu tư mạnh cho KH&CN.
Khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, chính là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ. |
Trưởng phòng Marketing Công ty CP Khóa Việt Tiệp ông Nguyễn Văn Hùng - chia sẻ: Có lịch sử hình thành hơn 40 năm, hiện Việt- Tiệp đã trở thành thương hiệu khóa hàng đầu Việt Nam, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Đông Nam Á và thế giới. Để có được chỗ đứng như hiện nay, bên cạnh đầu tư về con người, công ty rất chú trọng đầu tư cho KH&CN. Nhờ vậy, sản phẩm khóa mang thương hiệu Việt - Tiệp không chỉ đẹp về mẫu mã, uy tín về chất lượng mà giá thành còn rất phù hợp. Trong thời gian tới, để tiếp tục chinh phục thị trường, KHCN vẫn là yếu tố được công ty quan tâm.
Rõ ràng, KHCN đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng thương hiệu và phát triển của DNNVV. Song, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, nhiều DNNVV hiện nay vẫn chưa chú trọng đầu tư cho KH&CN. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, không phải họ không nhận thức được, hay coi nhẹ vai trò của KH&CN đối với sự phát triển DN, mà bởi họ không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư.
Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đa số những DNNVV Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn về nhiều mặt như lao động, mặt bằng sản xuất, tiếp cận thị trường. Đặc biệt, rất khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, hoặc nếu tiếp cận được thì cũng phải trả một mức lãi suất không hề thấp. Đây là lý do, DNNVV không đủ tiềm lực để đầu tư cho KH&CN. Để hỗ trợ khu vực DNNVV thuận lợi hơn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Quỹ Phát triển DNNVV. Vốn điều lệ của quỹ là 2.000 tỷ đồng, được cấp từ ngân sách nhà nước. Năm 2017, quỹ ban hành Chương trình hỗ trợ tài chính cho khu vực DNNVV với tổng mức hỗ trợ là 560 tỷ đồng, trong đó rất chú trọng đến những DNNVV đầu tư cho KH&CN.
Bên cạnh tạo điều kiện cho DNNVV được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi để có tiền đầu tư cho KH&CN, ông Tô Hoài Nam cho rằng, nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến khích để các DNNVV tích cực đầu tư cho KH&CN, ví dụ như các chính sách giảm thuế thu nhập DN, hay hỗ trợ DN tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện để sản phẩm của DNNVV đến với người tiêu dùng.