Ra mắt hệ thống lưu trữ dữ liệu thông minh thế hệ mới Cốc Cốc chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là nền tảng số phục vụ người dân |
Bà Mai Thị Thanh Oanh- Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc - nền tảng số Make in Việt Nam cho rằng, cần có hành lang pháp lý phù hợp nhằm hỗ trợ việc phát triển và phổ biến hơn nữa các nền tảng số Make in Vietnam, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa nền tảng số nội địa để “dữ liệu của người Việt phải được lưu trữ tại Việt Nam”.
Xin bà cho biết, nền tảng số có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia?
Trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, cần phát triển chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Với việc phát triển xã hội số, nền tảng số đóng vai trò quan trọng như xương sống để vận hành xã hội số.
Nền tảng số được ứng dụng trong mọi lĩnh vực: Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp… Nền tảng số giúp mọi đối tượng (người dân, doanh nghiệp…) làm việc đơn giản hơn, giảm lượng hồ sơ giấy tờ, tiết kiệm thời gian.
Bác sĩ, cơ quan quản lý y tế có thể xây dựng hồ sơ sức khoẻ của từng người dân, triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã, phường trên nền tảng số. Thầy cô xây dựng hồ sơ học tập cá nhân cho học sinh, thay đổi mô hình dạy và học. Người nông dân ứng dụng nền tảng số để truy xuất nguồn gốc, giúp người mua an tâm hơn. Doanh nghiệp gửi, nhận hoá đơn điện tử và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số…
Vậy với Việt Nam, việc phát triển các nền tảng số quốc gia có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trên thế giới thực. Trong thời đại của Big data (dữ liệu lớn) hiện nay, dữ liệu cũng chính là “vàng đen” của bất kỳ quốc gia, doanh nghiệp hay tổ chức nào. Việt Nam cần làm chủ dữ liệu của người dân trên nền tảng số nội địa. Việc phát triển các nền tảng số quốc gia giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, khẳng định năng lực tự chủ - không phụ thuộc vào bên thứ ba.
Bà Mai Thị Thanh Oanh- Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc - nền tảng số Make in Việt Nam |
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố "Nền tảng công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc" đạt tiêu chí nền tảng số phục vụ người dân. Sau hơn một năm, nền tảng số Cốc Cốc đã phục vụ người dân như thế nào?
Trong năm 2022, chúng tôi đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) và một số nền tảng Make in Vietnam “tới từng ngõ, gõ từng nhà” tổ chức khóa tập huấn Chuyển đổi số cho hơn 255 nghìn thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Cốc Cốc cũng đã ra mắt Bộ giải pháp chuyển đổi số dành cho người dân với tính năng hỗ trợ Chính phủ số, Xã hội số, Giáo dục điện tử và An ninh mạng. Trong thời gian cao điểm hưởng ứng tháng Chuyển đổi số quốc gia, Cốc Cốc đã đạt được khoảng 40 triệu lượt hiển thị thông tin về bộ giải pháp chuyển đổi số và hơn 500 nghìn lượt truy cập website dx.coccoc.com.
Bộ Giải pháp Chuyển đổi số trên Trình duyệt Cốc Cốc (ảnh chụp màn hình trình duyệt trên máy tính) |
Cũng trong năm 2022, Cốc Cốc đã phát triển tính năng Chính phủ điện tử trên 2 phiên bản điện thoại và máy tính. Tới nay, trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc ghi nhận hơn 10 triệu lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến dịch vụ công, hơn 350 nghìn lượt sử dụng tính năng Chính phủ điện tử trên Cốc Cốc để tìm kiếm các thông tin về dịch vụ công và hơn 30 nghìn lượt dẫn về trang dichvucong.gov từ tính năng Chính phủ điện tử trên Cốc Cốc.
Là một trong 10 thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin, Cốc Cốc cũng phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Chúng tôi đã xây dựng chuỗi video tình huống ngắn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân qua các tình huống phổ biến thường ngày như: Sử dụng mạng xã hội, mua sắm và thanh toán online, bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng, nhận diện website độc hại.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động đẩy mạnh truyền thông trên chính nền tảng số Cốc Cốc, thu hút gần 44.400.000 lượt hiển thị và gần 213.000 lượt nhấp chuột truy cập tới các nội dung đăng tải trên Cổng Không gian mạng quốc gia.
Cốc Cốc cũng mới cho ra mắt một số tính năng mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dùng Việt Nam như Cốc Cốc AI Chat, AI Search, trình duyệt Cốc Cốc TV, và các tính năng tìm kiếm theo chuyên đề như “Tìm việc làm”...
Gần đây, sau khi thực hiện đánh giá hiệu quả và năng lực triển khai nền tảng số, Cốc Cốc đã tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông gia hạn công nhận là Nền tảng số đáp ứng các tiêu chí phục vụ người dân năm 2023.
Vậy đâu là những khó khăn mà Cốc Cốc gặp phải trong quá trình phát triển nền tảng số?
Chúng tôi nhận thấy khó khăn đến từ nhận thức của người dân và an ninh thông tin. Hiện tại, nhận thức và năng lực tiếp cận công nghệ của người dân không đồng đều giữa các vùng miền. Khoảng cách về chuyển đổi số giữa khu vực thành thị và nông thôn khá lớn. Nhóm người lớn tuổi ngại thay đổi và hạn chế về khả năng tiếp nhận công nghệ mới, khiến việc phổ biến nền tảng số tốn nhiều thời gian.
Cốc Cốc AI Chat trên máy tính |
Trong khi đó, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trên không gian số ngày càng trở nên phức tạp. Các thủ đoạn lừa đảo, đánh cắp thông tin trực tuyến diễn ra ngày một tinh vi. Tin tặc sẽ nhắm vào các nhóm hạn chế hiểu biết về công nghệ như: người cao tuổi, trẻ em, công nhân, người lao động…
Từ góc nhìn của Cốc Cốc, thách thức lớn nhất là làm sao để vừa bảo vệ người dùng vừa tạo ra nền tảng thuận tiện, dễ dàng khai thác tối đa tài nguyên số.
Để có nhiều hơn nữa các nền tảng số phục vụ người dân, theo bà doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần làm gì?
Để làm được điều đó các đơn vị phát triển nền tảng số cần tham gia xây dựng giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần cộng hưởng năng lực, nguồn lực phổ biến nền tảng số đến khách hàng.
Các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cần hỗ trợ đơn vị phát triển nền tảng số kết nối cả về tài chính và con người nhằm cập nhật ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cấp năng lực của nền tảng số.
Bên cạnh đó, rất cần có hành lang pháp lý phù hợp nhằm hỗ trợ việc phát triển và phổ biến hơn nữa các nền tảng số Make in Vietnam, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa nền tảng số nội địa để “dữ liệu của người Việt phải được lưu trữ tại Việt Nam”.
Kế hoạch phát triển của Cốc Cốc trong ngắn hạn và dài hạn?
Trong thời gian tới, Cốc Cốc sẽ đi theo tiêu chí: Phục vụ - Hợp tác.
Để phục vụ người dùng tốt, Cốc Cốc sẽ tối ưu, cập nhật các tính năng, tập trung nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng AI trên nền tảng. Song song, chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác, triển khai thêm nhiều chương trình ưu đãi, gia tăng lợi ích dành cho người dùng. Hơn nữa, Cốc Cốc sẽ đồng hành cùng chính phủ trong các hoạt động nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số hiệu quả.
Xin cám ơn bà!
Cốc Cốc là trình duyệt và công cụ tìm kiếm “Make in Việt Nam” duy nhất tính đến thời điểm hiện tại. Trên thế giới chỉ có khoảng 10 nước phát triển trình duyệt và công cụ tìm kiếm nội địa. Hơn 8 năm đồng hành, gắn bó cùng Cốc Cốc, Phó TGĐ Mai Thị Thanh Oanh đã có nhiều đóng góp ý nghĩa trong hành trình mang nền tảng số Cốc Cốc phục vụ đông đảo người dân Việt Nam. Bà cũng là nhân tố góp sức trong các thành tựu quan trọng mà Cốc Cốc đã đạt được trên chặng đường phát triển: Công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là "Nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân" (2022 & 2023) Danh hiệu Top 10 Sản phẩm - Dịch vụ Tin dùng Việt Nam 2022 Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Việt Nam 2021 Giải thưởng Sao Khuê 2021 Hiện nay, Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đang phục vụ hơn 29 triệu người dùng, tương đương 1/3 dân số Việt Nam với khoảng hơn 600 triệu lượt truy vấn tìm kiếm trên tháng. |