Sắp diễn ra diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 |
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức diễn ra vào ngày 17/12/2022 tại Hà Nội.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay có chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” , là sự kiện quan trọng do góp phần triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Cùng đó Diễn đàn Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng cung cấp thêm luận cứ cho Chính phủ trong xây dựng và triển khai Nghị quyết đầu năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ đề của Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm nay cũng chính là những định hướng lớn trong điều hành vĩ mô của Việt Na, được đúc rút từ những bài học kinh nghiệm ứng phó để đưa nền kinh tế dần thích nghi và vượt qua các tác động toàn diện của dịch bệnh Covid-19, tăng sức chống chịu cho cả nền đồng thời tận dụng các cơ hội mới để phát triển.
Diễn đàn sẽ thảo luận, làm rõ về bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Diễn đàn có quy mô bao gồm phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì tổ chức vào buổi chiều ngày 17/12/2022; các hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào buổi sáng ngày 17/12/2022.
Theo các chuyên gia, những gì mà kinh tế Việt Nam có được trong năm 2022, năm được coi là dị thường của kinh tế thế giới thực sự là con số biết nói, khi các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt từ mức 2,4%-3,2%, mức này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu giai đoạn 2000-2021 là 3,6%. Cùng đó là việc lạm phát là dấu hiệu bất ổn vĩ mô nổi bật nhất năm 2022 với nhiều nền kinh tế.
Việt Nam được đánh giá cao việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô |
Với Việt Nam, dự báo đến hết năm 2022, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có những chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng như GDP, kim ngạch xuất khẩu, mức lạm phát cơ bản, giải ngân vốn FDI… Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức để có được con số tăng trưởng đầy ấn tượng này.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận xét thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. Đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia ở châu Á.
Còn ông Bill Winter, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành để giữ mặt bằng giá cả trong nước, không hình thành giá mới, cùng với đó nguồn cung hàng hoá dồi dào, tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tuy nhiên là nền kinh tế có độ mở rất lớn nên sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc đến những thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 bao gồm cả những thách thức truyền thống và những thách thức mới nổi. Việt Nam sẽ phải ứng phó và vượt qua những khó khăn, thách thức như thế nào trong năm 2023 khi mà những tháng cuối năm đã xuất hiện một số rủi ro đối với cân đối lớn: Áp lực lạm phát gia tăng; lãi suất tăng nhanh; doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản do một số vấn đề trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; không ít doanh nghiệp đã bị cắt giảm đơn hàng.
Đây cũng chính là những bài toán được đặt lên bàn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay cũng như sự hiến kế, phân tích của các chuyên gia. Ngay chủ đề của Diễn đàn năm nay “Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” đó là mục tiêu đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam ngay lúc này.
Từ góc độ chuyên gia, ông Kim Byoung – Ho, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho rằng, nếu được yêu cầu định nghĩa hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng một từ để thị trường tài chính và ngân hàng phát triển bền vững, ổn định hơn thì đó là chữ tín. Chữ tín hay niềm tin là vốn và tài sản quý giá nhất của bất kỳ ngân hàng nào.
“Để nâng cao sự tin cậy giữa các thành viên thị trường, tính minh bạch là quan trọng nhất. Minh bạch có nghĩa là chia sẻ thông tin với thị trường. Minh bạch cũng có nghĩa là bảo vệ khách hàng”, ông Kim Byoung – Ho nói.
Còn đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham)- ông David John Whitehead cho rằng, trong thời gian tới, nên đặt mục tiêu và có những chính sách để có thể kiểm soát tốt được tỷ lệ thất nghiệp, kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Từ đó, tăng trưởng GDP sẽ được bảo đảm.
Nhận diện được cơ hội và những rủi ro và thách thức cả trong nước và từ bên ngoài, mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, cũng như dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023, đó cũng chính là những gì mà Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm tập trung giải quyết và cũng đồng nghĩa với các kỳ vọng vào một năm tăng trưởng bền vững hơn, an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn.