Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư khởi công năm 2009 nhưng 10 năm vẫn đứng trước ngưỡng cửa nên dừng hay khai thác?
Các bộ ngành và địa phương đang họp bàn tìm ra nhiều phương án, trong đó Hà Tĩnh muốn dừng khai thác, TKV đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), nơi có trữ lượng sắt lớn nhất Đông Nam Á.
Dự án Mỏ sắt Thạch Khê |
Với một người dân Hà Tĩnh, đứng trên phương diện người con quê hương đem ra ý kiến, thì việc nên tiếp tục triển khai mỏ sắt Thạch Khê là hoàn toàn hợp lý. Trước hết cần phải hiểu rằng tài nguyên khoảng sản vốn dĩ sinh ra để con người khai thác và sử dụng. Từ thời đại đồ đồng đồ sắt đã chứng minh điều đó, và khoáng sản nằm trong lòng đất nếu ta không khai thác thì vẫn chỉ là một đống vô tri vô giác hoàn toàn không có giá trị.
Thứ hai, đã có rất nhiều tiền của, ngân sách nhà nước đổ dồn vào đầu tư thăm dò, lập kinh phí dự án. Nếu dừng lại thì thiệt hại ngân sách vô cùng lớn, lãng phí rất nhiều tiền của của nhân dân. Hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã treo trên đầu họ hơn 10 năm không có phương án giải quyết.
Thứ ba đó là sự thiếu hụt, cũng như nhu cầu nguyên liệu quặng để sản xuất trong nước, hiện nay chúng ta đang phải nhập khẩu một số lượng lớn quặng sắt từ nước ngoài. Ngược lại trong khi trong nước chúng ta có mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á thì đang phải nằm đắp chiếu.
Hiện nay nhiều luồng ý kiến cho rằng nếu khai thác mỏ sắt thạch khê sẽ ảnh hưởng tới môi trường, như sụt lún, xâm nhập mặn.... Theo tôi đây là ý kiến ngại khó, thiếu tính khoa học cũng như sợ trách nhiệm, cũng như tư duy nhiệm kỳ. Bởi ai cũng biết rằng hiện nay nhiệm kỳ của mỗi lãnh đạo thường 5 năm và họ thường e ngại những dự án liên quan tới vấn đề môi trường, và với tư duy không làm không sai như hiện nay thì việc địa phương không mặn mà với dự án mỏ sắt Thạch Khê là điều dễ hiểu.
Hiện nay công nghệ khai thác khoảng sản đã tiến xa hơn rất nhiều so với 10 năm về trước. Hơn nữa, nếu khai thác thì cần phải tìm ra giải pháp hài hòa tổng thể. Đó cũng là trách nhiệm của các nhà đầu tư khi khai thác dự án. Sau sự cố môi trường biển ở Hà Tĩnh, nhiều cơ quan ban ngành cũng như địa phương e ngại những dự án có liên quan tới vấn đề môi trường. Nhưng nếu không vượt qua áp lực dư luận hay như con chim sợ cành cong thì khó có dự án nào thành công.
Trên thế giới có rất nhiều đất nước có trữ lượng tài nguyên dồi dào, nhưng người dân đất nước đó vẫn sống dưới mức trung bình của xã hội. Bởi vì họ không tận dụng được tài nguyên vốn có của quốc gia để phát triển đất nước.