Vì sao tên lửa siêu thanh Zircon được gọi là “bất khả chiến bại”? |
Ngày 4/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo, tàu khu trục Đô đốc Gorshkov sẽ mang theo tên lửa siêu thanh Zircon tới Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải để thực hiện các nhiệm vụ hành trình đường dài.
Tin tức này không chỉ công bố việc triển khai hoạt động đầu tiên về tàu khu trục mạnh nhất “lớp Gorshkov” của Hải quân Nga, mà còn chỉ ra rằng Nga sẽ triển khai Zircon - một loại tên lửa siêu hạng tại khu vực.
Vậy tại sao Nga lại cử tàu chiến mạnh nhất của mình tới Địa Trung Hải, cách xa Ukraine, khi xung đột Nga - Ukraine đang đi vào bế tắc? Việc công bố tên lửa “Zircon” trang bị cho tàu Đô đốc Gorshkov có ý nghĩa chiến lược như thế nào?
Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov “nhỏ nhưng có võ” |
Vì sao tàu chiến Nga tới Địa Trung Hải thay vì vào Biển Đen?
Việc Nga điều những tàu chiến tối tân nhất, mạnh nhất trong lực lượng Hải quân tới Địa Trung Hải lần này là một biểu hiện chiến lược rất đáng chú ý. Ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, Địa Trung Hải đã là điểm nóng để các tàu chiến của Mỹ và Liên Xô “thử lửa” lẫn nhau. Mỹ luôn coi khu vực phía đông Địa Trung Hải là nơi tốt nhất để tấn công vào khu vực phía Nam và trung tâm của Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, sức mạnh quốc gia của Nga suy giảm, dẫn đến khu vực này gần như bị “thao túng” hoàn toàn bởi sức mạnh của Mỹ và NATO.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Nga nhận thấy quy mô của cuộc xung đột này có thể mở rộng, khi đó Mỹ và NATO rất có thể sẽ lợi dụng Địa Trung Hải để phát động tấn công Nga. Do đó, ngay từ tháng 10/2022, hai khinh hạm loại 20380 đã được điều động từ Hạm đội Baltic vào Địa Trung Hải để cân bằng sức mạnh quân sự của Mỹ và NATO tại đây.
Trong lần này, Nga cử tàu Đô đốc Gorshkov tới Địa Trung Hải cũng không nằm ngoài mục đích trên. Ngoài việc mang tên lửa hành trình Kalibr với tầm bắn có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ukraine, con tàu còn mang tên lửa siêu thanh Zircon lần đầu tiên được Nga triển khai trong thực chiến. Điều này tạo ra sự răn đe mạnh mẽ đối với hoạt động của Mỹ, NATO và “các nước không thân thiện” với Nga ở Địa Trung Hải.
Tất nhiên, về lý thuyết, Nga vẫn hy vọng có thể triển khai trực tiếp tàu chiến tới Biển Đen để tăng cường khả năng tiến công tầm xa từ Biển Đen tới Ukraine. Tuy nhiên, do xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ không thể cho phép bất kỳ tàu chiến nào đi qua eo biển Bosphorus, đây cũng là nguyên nhân mà “quái vật biển” Gorshkov chỉ có thể rút lui về biển Địa Trung Hải, phối hợp với các tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân khác của Nga đóng tại đây để đáp trả sức ép quân sự từ Mỹ và NATO.
“Quái vật biển” Gorshkov được trang bị Zircon khi hiện diện ở Địa Trung Hải sẽ là “nỗi kinh hoàng” đối với NATO |
Liệu Zircon có thể giúp Nga giành chiến thắng?
Tốc độ bay lý thuyết của tên lửa siêu thanh Zircon có thể đạt tới Mach 9-10 và nó có thể hành trình ở độ cao 30-40 km. Ban đầu, Zircon được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, nhưng sau đó, Nga đã nâng cấp tính năng của loại tên lửa này để tấn công các mục tiêu trên bộ và nó cũng có thể được phóng từ nhiều bệ phóng trên mặt đất, mặt biển và dưới nước.
Sự đa dạng hóa của các nền tảng tấn công, cùng với tốc độ bay rất cao, khả năng thay đổi quỹ đạo, khiến bên bị tấn công rất khó phát hiện và đánh chặn, tên lửa này gần như có thể đạt được hiệu quả lý tưởng là “phóng và tiêu diệt”.
Tốc độ siêu thanh của Zircon là thách thức rất lớn ngay cả đối với hệ thống đánh chặn và cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ. Ngay cả Mỹ cũng phải chịu những hậu quả không tưởng chứ đừng nói đến Ukraine, quốc gia hoàn toàn dựa vào NATO để cung cấp thông tin tình báo “đã qua sử dụng”. Nếu Nga sử dụng Zircon để tấn công các mục tiêu ở Ukraine, rất có thể Zircon sẽ tiêu diệt mục tiêu từ trước khi Ukraine nhận được thông tin tấn công tên lửa do NATO chuyển đến.
Tên lửa siêu thanh Zircon có uy lực lớn như vậy, liệu có thể giúp Nga giành được chiến thắng cuối cùng? Câu trả lời là, tất nhiên không được. Các loại vũ khí cao cấp như Zircon thường rất đắt đỏ. Trong tình hình hiện nay, Nga bị trừng phạt và cấm vận, việc sản xuất các loại vũ khí công nghệ cao như Zircon là điều không hợp lý. Ngay cả trong thời bình, việc mua những tên lửa như vậy hàng năm cũng khó có thể quá nhiều.
Thêm nữa, nếu tàu chiến Nga phóng tên lửa Zircon hay Kalibr vào Ukraine từ Địa Trung Hải sẽ chắc chắn phải bay qua không phận của một hoặc nhiều quốc gia NATO. Ngay cả khi các quốc gia này đồng ý mở cửa không phận, thì Nga cũng không dám mạo hiểm, bởi nếu một loại vũ khí tối tân như Zircon chẳng may gặp sự cố rơi vào tay NATO thì sẽ mang lại hậu quả rất lớn cho Nga.
Do đó, từ quan điểm hiện tại, mặc dù tên lửa siêu thanh Zircon rất mạnh, khó đánh chặn và thậm chí khó đưa ra cảnh báo sớm, nhưng số lượng ít và sử dụng không thuận tiện vẫn là những trở ngại hạn chế vai trò thực tế của nó. Giá trị tồn tại lớn nhất của nó là kiềm chế lực lượng quân sự của NATO ở Địa Trung Hải, khiến nhiều quốc gia thành viên NATO sát Địa Trung Hải cảm thấy “lạnh sống lưng”.
Nếu các nước này từ đó mà e ngại hỗ trợ Ukraine, thì điều này sẽ giảm áp lực cho Nga trên chiến trường, khi đó Nga sẽ đạt được mục tiêu chiến lược của việc đưa tàu chiến và vũ khí tối tân vào Địa Trung Hải.