Du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể nghe thuyết minh tự động Số hóa, tăng sức hút cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Đây là chia sẻ của ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám - với phóng viên Báo Công Thương.
Thời gian qua, xu hướng số hóa các di tích, di sản diễn ra khá mạnh mẽ, ông đánh giá như thế nào về thực tế này?
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám |
Số hóa các di tích, di sản là nhu cầu, đòi hỏi khách quan trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong thời kỳ cách mạng công nghệ phát triển hiện nay. Đồng thời, đây là hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và hệ tri thức Việt số hóa.
Tuy nhiên, công tác này đối diện rất nhiều những thách thức. Trước hết, vấn đề nhận thức, tâm lý e ngại với công nghệ vẫn còn tồn tại, chưa thực sự muốn thay đổi, hoặc thay đổi chỉ trên phương diện hình thức của nhiều đơn vị quản lý di tích. Thứ hai, vấn đề nguồn lực, phải có sự đầu tư về tài chính, con người mà không phải đơn vị nào cũng tự chủ được, cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội.
Với những hạn chế hiện tại, để thúc đẩy số hóa trong hệ thống di sản, di tích, điều quan trọng chính là quyết tâm của người đứng đầu, đó là xác lập ý chí chuyển đổi số mạnh mẽ, giải thích cho người lao động về lâu dài của lợi ích chuyển đổi số. Tiếp đó là lựa chọn đơn vị cung cấp công nghệ có hiệu quả trên thực tế, đặc biệt là mong muốn đóng góp cho sự phát triển văn hóa, chứ không chỉ thiên về lợi ích. Mặt khác, các giải pháp hỗ trợ số hóa cần được triển khai sớm, đồng bộ; thúc đẩy thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa trên cả nước, nhằm bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi, cũng như tạo cơ sở cho hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản.
Là di tích quốc gia đặc biệt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có đột phá nào về chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng, hiệu quả từ sự chuyển đổi này, thưa ông?
Nhận thức rõ xu thế chuyển đổi số, thời gian qua, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có nhiều nỗ lực đổi mới sáng tạo, quyết tâm đổi mới công tác quản lý theo hướng hiện đại. Trong đó, đã và đang tập trung triển khai công tác số hóa 3D giá trị của di tích, cả giá trị vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, khu di tích đã phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ như hệ thống vé điện tử.
Du khách quẹt thẻ điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Hệ thống vé điện tử là một đột phá về số hóa của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm thay đổi phương thức phục vụ, giúp du khách mua vé online dễ dàng, khi đến tham quan chỉ cần quét mã QR để đi qua cổng soát vé. Với hệ thống vé điện tử, du khách cũng có thể đặt trước vé, mua vé phục vụ các đoàn khách du lịch đông người và lưu trữ vé dưới nhiều hình thức linh hoạt, tránh được trường hợp mất vé, tạo ra môi trường nề nếp văn minh, lịch sự khi tham quan di tích của công chúng. Ngoài ra, công tác quản lý vé được công khai, khoa học, tiết kiệm được kinh phí cho việc in vé, góp phần bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, khu di tích còn triển khai cung cấp thông tin QR code các hạng mục di tích, hệ thống thuyết minh tự động 12 ngôn ngữ. Có thể nói, việc thực hiện chuyển đổi số tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di tích, được du khách, doanh nghiệp đánh giá cao. Trong đó, công tác quản lý chuyển biến theo hướng minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực trong điều hành công việc; tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, du khách.
Trên cơ sở kết quả đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy số hóa 3D các hạng mục kiến trúc, hiện vật, giá trị của di tích; phát triển các sản phẩm văn hóa trên nền tảng công nghệ phục vụ khách tham quan; xây dựng chương trình trải nghiệm ban đêm sử dụng công nghệ. Ngoài ra, di tích sẽ tiếp tục hoàn thiện những bất cập nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống vé điện tử. Như phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Tập đoàn VIETSENS đưa vào sử dụng việc bán vé tự động và bán vé từ xa (online) trên website; áp dụng “Thẻ du lịch thông minh” tích hợp liên thông với Ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn gồm nhiều dịch vụ như qua cổng và sử dụng nhiều dịch vụ khác tại di tích.
Với những chuyển biến trong hoạt động, ông có thể chia sẻ thêm về đóng góp của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế của Hà Nội?
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích đặc biệt quan trọng - trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học của Thủ đô, cũng như của cả nước. Hàng năm, di tích đón nhiều đoàn khách ngoại giao, nguyên thủ các quốc gia khi đến thăm Việt Nam; thực hiện công tác giáo dục di sản với các hoạt động khuyến học cho các trường đại học, cao đẳng, phổ thông không những của Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác.
Di tích cũng là điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách tham quan hàng năm, đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho sự phát triển du lịch của Hà Nội. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến di tích đã tăng khoảng 50% so với lúc mới mở cửa, mặc dù khách quốc tế chưa nhiều nhưng khách trong nước đang tăng mạnh. Dự kiến đến quý IV năm 2022, lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ bằng 70% giai đoạn trước dịch Covid-19.
Để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của di tích, hết năm nay và năm 2023 chúng tôi sẽ cố gắng cơ bản hoàn thành các mục tiêu về số hóa, đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thật sự là trung tâm văn hóa, để du khách đến không chỉ thực hiện nghi thức về tâm linh mà chính là hưởng thụ được các giá trị về văn hóa chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm, tổ chức các hoạt động đa dạng, thường xuyên. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, dự kiến, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có 5 hoạt động văn hóa lớn, hấp dẫn kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.
Bên cạnh sự nỗ lực của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi cũng cần được hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn. Do trung tâm là đơn vị tự chủ kinh phí, vì thế, rất mong muốn được giải quyết những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, được sử dụng hiệu quả, đúng quy định tài sản của nhà nước giao trong công tác phát huy giá trị của di tích; có cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích theo đúng quy định.
Xin cảm ơn ông!