TP. Hồ Chí Minh: Tiêu thụ điện liên tục phá kỷ lục, ngành điện kêu gọi tiết kiệm điện Đảm bảo cung ứng điện mùa khô cho khu vực phía Nam: Bài 2-Chung tay sử dụng điện tiết kiệm |
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có Công văn số 2325/UBND-KT gửi các Sở, ban, ngành, UBND các quận - huyện, TP. Thủ Đức, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh về đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong mùa khô, năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ngành điện TP. Hồ Chí Minh vận động khách hàng doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao, dịch chuyển sản xuất... để tăng cường tiết kiệm điện (Ảnh: Thanh Minh) |
Công văn này nêu rõ, do ảnh hưởng của tình trạng nắng nóng, hạn hán đã làm cho các hồ thủy điện thiếu hụt nguồn nước, có thể gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp điện của cả nước. Nhằm đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024, đặc biệt là giai đoạn cao điểm nắng nóng có nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn nước.
Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các các sở, ban ngành, UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện; góp phần đảm bảo việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh xây dựng chi tiết phương án đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong mùa khô và cả năm 2024; báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh các nội dung vướng mắc, khó khăn để thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời.
UBND TP. Hồ Chí Minh lưu ý, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng trên địa bàn thành phố theo thứ tự ưu tiên. Trong trường hợp phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện khách hàng trên địa bàn theo Điều 5 và Điều 6 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương về quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện; hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện vào ban đêm và thời gian cao điểm nắng nóng trong ngày nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình, trừ những trường hợp bất khả kháng.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các công ty điện lực khu vực làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp là các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất để vận động, khuyến khích các khách hàng này sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) nhằm chủ động thêm nguồn cung cấp điện.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận - huyện, TP. Thủ Đức; Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, phối hợp với Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện và đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt.
UBND Thành phố cũng giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức phối hợp cùng Tổng công ty Điện lực và các cơ quan thông tấn, báo chí: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn dân về tình hình khó khăn trong cung cấp điện hiện nay, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng để đảm bảo an toàn, ổn định trong cung ứng điện.
Các giải pháp cấp bách tăng cường tiết kiệm điện: Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng: Điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên; mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc. Đối với các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ: Điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên; mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc hoạt động; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22 giờ; tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực; khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện. Đối với cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất: Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22 giờ; tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực; khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện. Đối với các hệ thống chiếu sáng giao thông: Điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay, trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông; giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22 giờ tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông ít, trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông. Đối với các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí: Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo từ 22 giờ; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22 giờ. Đối với các hộ gia đình: Thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng; sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà…
|