Doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn ESG sẽ khó tiếp cận vốn Giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỷ USD |
Đầu tư vào việc thực hành các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) hướng tới mô hình kinh doanh bền vững là yếu tố quan trọng mang lại sự cân bằng trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, được đánh giá sẽ mang lại thành công lâu dài, bền vững cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Đây là khẳng định của ông Stuart Livesey – Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, đồng thời là Giám đốc điều hành Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, Thành viên Ban lãnh đạo EuroCham Việt Nam và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với phóng viên báo chí.
Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trong việc thực hành ESG tại Việt Nam?
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tích cực tham gia vào các sáng kiến ESG và đã đưa các mục tiêu ESG vào chính sách của doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), thông qua DecisionLab, thực hiện vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhận được tổng cộng 655 phản hồi từ các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, trong đó 80% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam đã xây dựng chiến lược ESG.
45% lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài được hỏi ưu tiên yếu tố Quản trị, 38% ưu tiên yếu tố Môi trường khi điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp theo tiêu chí ESG. Đối với những doanh nghiệp ưu tiên yếu tố Quản trị, họ cho rằng cơ cấu quản trị doanh nghiệp hiệu quả là yếu tố then chốt để đảm bảo các hoạt động kinh doanh có đạo đức, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trong môi trường kinh doanh đầy thách thức, điều đáng khích lệ là 50% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ phân bổ hơn 1% tổng ngân sách của doanh nghiệp cho các sáng kiến ESG và gần một nửa (46%) các doanh nghiệp thể hiện cam kết rõ ràng bằng cách đặt ra mục tiêu ESG kèm thời gian thực hiện cụ thể.
Ông Stuart Livesey – Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam |
Theo ông, những thách thức trong việc mở rộng các sáng kiến ESG ở Việt Nam là gì?
Như thể hiện trong kết quả khảo sát, ngân sách ESG thường chỉ được phân bổ tại các doanh nghiệp lớn. Việc thực hiện ESG có thể dẫn đến điều chỉnh hoặc xây dựng các chiến lược mới, có thể phát sinh thêm chi phí liên quan đến nhân sự, công nghệ, cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc cải tiến quy trình sản xuất hiện tại, v.v. Vì vậy, điều dễ hiểu là các công ty nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cân bằng giữa khoản đầu tư vào các sáng kiến ESG và chi phí duy trì hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các hoạt động kinh doanh bền vững, có trách nhiệm là yếu tố cần thiết cho thành công lâu dài của tất cả các loại hình doanh nghiệp. Trên thực tế, các quy định mới ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như Chỉ thị của EU về Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững của doanh nghiệp, sẽ có nhiều tác động đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hơn 1/4 số doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ sự tin tưởng vào cam kết của Việt Nam về phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên, hơn một nửa cho rằng các chiến lược hiện nay chỉ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu ESG ở mức độ vừa phải. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều cuộc thảo luận giữa Chính phủ và các doanh nghiệp FDI để kết nối chiến lược quốc gia với các mục tiêu ESG cụ thể của doanh nghiệp, nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả theo từng giai đoạn, vì lợi ích của đất nước và con người Việt Nam.
Cuối cùng, điều quan trọng cần phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp có thể gặp phải những hạn chế về tài chính và pháp lý khi thực hiện các sáng kiến ESG. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp ưu tiên các ưu đãi tài chính và hỗ trợ pháp lý khi tìm kiếm sự hỗ trợ của Chính phủ cho các nỗ lực thực hành ESG. 54% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cung cấp các khoản tín dụng hoặc khấu trừ thuế cho những khoản đầu tư vào các dự án bền vững về môi trường hoặc cho các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG cụ thể.
Sử dụng năng lượng tái tạo là giải pháp then chốt đáp ứng các tiêu chí về môi trường. Theo ông, làm thế nào để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
Bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường và hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với các doanh nghiệp FDI, sử dụng năng lượng sạch là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược hoạt động tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thậm chí còn đưa ra cam kết rõ ràng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo.
35% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của VBF (chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất) đã đặt ra mục tiêu về năng lượng xanh. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển các dự án năng lượng tái tạo mới, thu hút và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô đầu tư lớn, thời gian xây dựng và phát triển kéo dài như các dự án điện gió ngoài khơi, cần có những chính sách rõ ràng, minh bạch, khuyến khích nhà đầu tư, chẳng hạn như: Trao cho doanh nghiệp nhà nước cùng các nhà đầu tư quốc tế có năng lực, kinh nghiệm được triển khai các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm thông qua cơ chế phát triển nhanh.
Thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường rõ ràng cho các nhà đầu tư, bao gồm các quy trình, thủ tục chi tiết kèm thời gian phê duyệt nhằm đảm bảo tiến độ của dự án, bao gồm việc nhà đầu tư cần cung cấp cho các cơ quan hữu quan những thông tin, văn bản, kế hoạch như thế nào, vào thời điểm nào để được triển khai dự án, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt, đánh giá những thông tin này, và việc phối hợp liên bộ, ngành sẽ được thực thi như thế nào để đảm bảo phản hồi kịp thời cho nhà đầu tư.
Điều chỉnh Hợp đồng mua bán điện phù hợp với đặc thù của dự án điện gió ngoài khơi, qua đó đảm bảo nguồn doanh thu dài hạn, ổn định đồng thời có cơ chế chia sẻ rủi ro cho những dự án có chi phí đầu tư khổng lồ.
Ban hành cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp, trong đó cho phép các đơn vị sản xuất năng lượng sạch được cung cấp điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo.
Nhằm giúp các doanh nghiệp FDI tiếp cận dễ dàng hơn với năng lượng tái tạo, rất cần những nỗ lực và quyết sách hiệu quả từ Chính phủ trong thời gian tới. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo như Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) luôn cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong hành trình chuyển dịch năng lượng xanh.
Xin cảm ơn ông.