Nâng cao vị thế Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Là nền kinh tế có quy mô đứng thứ 6 và kim ngạch ngoại thương đứng thứ 4 trong ASEAN, Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình hợp tác khu vực. Thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu ra khỏi nhóm các nước kém phát triển hơn trong ASEAN để gia nhập vào nhóm các thành viên dẫn đầu về năng lực cạnh tranh. 
Nâng cao vị thế Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Tổng quan về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

ASEAN là một thị trường rộng lớn với dân số hơn 600 triệu người, tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2014 ước đạt 2.500 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 1.000 tỷ USD.

Năm 1992, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã quyết định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) với mục tiêu xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên ASEAN. Sau khi trở thành thành viên ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã ký hiệp định tham gia AFTA từ 1998. Thực hiện các cam kết theo AFTA, tới ngày 01 tháng 01 năm 2010, 6 nước thành viên cũ ASEAN đã cơ bản hoàn thành lộ trình tự do hóa thương mại với việc xóa bỏ thuế quan đối với 99,65% số dòng thuế. 4 nước thành viên mới gồm Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam cũng đã đưa phần lớn số dòng thuế về mức 0-5%. Đây là kết quả nổi bật và là dấu mốc quan trọng trong hợp tác ASEAN.

Trên đà những thành tựu đã đạt được từ AFTA, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh vào tháng 11 năm 2002, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã đưa ra sáng kiến thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và được sự ủng hộ của các nước thành viên. Qua nhiều vòng thảo luận, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 (tháng 01 năm 2007 tại Philippines), các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Cebu về việc đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên ba trụ cột: kinh tế, chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội, trong đó trụ cột kinh tế có vai trò trọng tâm với tiêu chí hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Về bản chất, AEC được hiểu như một khuôn khổ hội nhập kinh tế với mức độ sâu sắc hơn giữa các thành viên. Ranh giới các rào cản thương mại được dỡ bỏ, hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động được tạo điều kiện lưu chuyển tự do hơn giữa các nước thành viên. Các chính sách quản lý từng bước được hài hòa, chuẩn mực hóa để hình thành một khu vực kinh tế cạnh tranh. Khoảng cánh phát triển giữa các quốc gia thành viên từng bước được thu hẹp. ASEAN, với vị thế một trong những khu vực kinh tế năng động có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới sẽ tham gia đầy đủ và sâu sắc hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

So với Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vốn chỉ dựa trên hai hiệp định tự do về hàng hóa và dịch vụ, AEC sẽ có sự phát triển đáng kể về phạm vi và mức độ tự do hóa. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động kỹ năng sẽ được tạo điều kiện lưu chuyển tự do hơn giữa 10 nước thành viên. ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực và hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Tiến trình hội nhập của ASEAN sau 2015 sẽ tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở những định hướng từ viễn cảnh của AEC nhằm hướng tới các mục tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường chung với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động kỹ năng. Để đạt mục tiêu này, ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư; hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về bảo hộ và thúc đẩy đầu tư; tạo thuận lợi cho sự di chuyển lao động kỹ năng thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau.

Thứ hai, phát triển cân bằng giữa các nước thành viên, thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy tiến trình hội nhập của Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN và các sáng kiến khu vực khác;

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế khu vực thông qua các giải pháp tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thuận lợi hóa thương mại (Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách quy tắc xuất xứ,…), hài hòa tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại...

Thứ tư, đưa kinh tế ASEAN hội nhập đầy đủ và sâu sắc hơn vào nền kinh tế toàn cầu trên cơ sở tham gia của ASEAN vào các cấu trúc kinh tế khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nâng cao vị thế Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEMM) lần thứ 48 vừa tổ chức tại Lào đã thành công tốt đẹp

AEC- trụ cột chính trong cấu trúc Cộng đồng ASEAN

Việc hình thành AEC đưa hợp tác và đoàn kết ASEAN lên một tầm cao mới, khẳng định ý chí và nguyện vọng của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường sức mạnh của khu vực, nhằm đối phó với những thách thức an ninh, chính trị và kinh tế trong Thiên niên kỷ mới. Trong một khu vực kinh tế phát triển năng động, có mặt nhiều cường quốc, đang tồn tại những bất đồng và tranh chấp lãnh thổ,… việc củng cố liên kết giữa 10 nước thành viên là một nhân tố có ý nghĩa hàng đầu đối với duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như tăng cường vị thế của mỗi quốc gia.

Là các quốc gia láng giềng, chia xẻ sự gần gũi về địa lý, những yếu tố tương đồng nhất định về lịch sử, văn hóa, truyền thống… nhưng 10 nước ASEAN cũng hết sức đa dạng và khác biệt về thể chế chính trị, tôn giáo, quy mô thị trường, trình độ phát triển… Đa phần là các nền kinh tế đang phát triển với quy mô nhỏ và trung bình, lại tồn tại trong một khu vực giao thoa ảnh hưởng của nhiều nước lớn, trong một chừng mực nhất định, chính sách đối ngoại, thương mại của các thành viên bị tác động bởi các yếu tố địa chính trị. Trong nhiều vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng của khu vực, việc tìm tiếng nói đồng thuận trong ASEAN không đơn giản. Bởi mỗi thành viên có những định hướng riêng trong quan hệ với các cường quốc phù hợp với mục tiêu chiến lược của mình, xuất phát từ các quan hệ truyền thống, lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thành viên ASEAN đều ý thức rõ vai trò của liên kết ASEAN đối với việc tăng cường vị thế quốc tế của mình, cũng như tầm quan trọng của việc thiết lập một thị trường chung đối với việc cải thiện tiềm lực kinh tế khu vực. AEC là sợi dây gắn kết 10 quốc gia ASEAN bắt nguồn những lợi ích kinh tế hội nhập khu vực đem lại cho mỗi thành viên. Trên con đường tiến tới các mô hình hội nhập cấp độ cao hơn về tài chính, an ninh, chính trị, hợp tác kinh tế được coi là trụ cột bởi đó là tiền đề tạo nền tảng mở rộng quan hệ hợp tác sang các lĩnh vực an ninh, chính trị, văn hóa và xã hội.

Hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu). Trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng trưởng trung bình xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt tương ứng khoảng 23% và 19%.

Những tác động của AEC tới khu vực và Việt Nam

AEC được hình thành sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho các nước thành viên ASEAN nhờ khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực khu vực, tăng cường khả năng thu hút đầu tư và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng rào thuế quan giữa các quốc gia được loại bỏ, các hàng rào phi thuế ngày càng hạn chế, hạ tầng giữa các nước được kết nối thuận tiện, thủ tục xuất nhập khẩu được điện tử hóa và hài hòa qua chương trình Một cửa ASEAN… sẽ tạo ra một thị trường chung với những cơ hội thương mại tiềm tàng cho các doanh nghiệp. Thị trường khu vực liên kết tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất quy mô và mở rộng thị trường ra các nước lân cận. Các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ có thêm cơ hội cắt giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm và thuận lợi hơn trong đầu tư đổi mới công nghệ… Hội nhập khu vực tạo tiền đề và đồng thời sức ép cải cách lên các doanh nghiệp. Bởi để tận dụng các cơ hội này, các doanh nghiệp phải hình thành tư duy kinh doanh khu vực với các biện pháp quản trị phù hợp chuẩn mực quốc tế.

Trong lĩnh vực đầu tư, thị trường quy mô lớn hơn cùng với những cải thiện môi trường đầu tư thông qua Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) sẽ làm tăng tính hấp dẫn của thị trường ASEAN đối với các nhà đầu tư trong khối cũng như từ các nước đối tác. Khu vực đầu tư ASEAN sẽ có sức cạnh tranh hơn so với các nền kinh tế đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cạnh tranh nội khối trong thu hút FDI sẽ có xu hướng tăng lên. Bởi trong thị trường nhất thể hóa, quyết định đầu tư của nhà đầu tư sẽ không phụ thuộc vào các chính sách bảo hộ của nước tiếp nhận mà sẽ phụ thuộc vào nơi nào có hệ thống chính sách minh bạch, lao động cạnh tranh, hạ tầng thuận tiện. Không loại trừ xu hướng các tập đoàn đa quốc gia sẽ tái cơ cấu lại các khoản đầu tư trong khu vực ASEAN để tập trung về một cơ sở có hiệu quả nhất tại một quốc gia nhằm khai thác lợi thế từ sản xuất quy mô.

Từng bước tự do hóa thị trường lao động chuyên môn cho phép các quốc gia ASEAN tận dụng hiệu quả hơn các nguồn lực khu vực. Hiện các bên đã ký kết 9 gói cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ và 8 hiệp định về công nhận chứng chỉ hành nghề của nhau trong các lĩnh vực: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Các thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho lao động có tay nghề lưu chuyển trong khu vực. Trong bối cảnh lao động không có chuyên môn kỹ thuật của nước ta chiếm tới 85% lực lượng lao động cả nước, nguồn lực từ các nước láng giềng ASEAN sẽ giúp chúng ta khắc phục phần nào nhu cầu trước mắt về lao động chất lượng cao trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về lâu dài, cần cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục và sắp xếp lại hệ thống đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn lực có năng lực, kỹ năng.

Việc tăng cường sự tham gia của ASEAN, với tư cách một khối, vào tiến trình toàn cầu hóa sẽ tăng cường vị thế đàm phán của từng thành viên, tạo cơ hội cho các quốc gia tham gia hiệu quả hơn vào phân công lao động toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn, nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtơ-rây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Độ thông qua các FTA giữa ASEAN và đối tác với vai trò trung tâm của ASEAN.

Tuy nhiên, với những gì đã đạt được qua 20 năm xây dựng khu vực mậu dịch tự do, các nước thành viên còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt tới những mục tiêu như kỳ vọng. Đây là thách thức không nhỏ xét tới sự đa dạng của các quốc gia thành viên. Bên cạnh sự đa dạng về văn hóa, thể chế chính trị, tôn giáo,... sự khác biệt về trình độ phát triển, chính sách thương mại… là những trở ngại chính để ASEAN hài hòa thể chế kinh tế, thiết lập một chính sách thương mại chung đối với các đối tác ngoài khối như mô hình Liên minh Thuế quan.

Viễn cảnh

AEC là một bước phát triển trong tiến trình liên kết khu vực của ASEAN. AEC kế thừa những thành tựu tự do hóa thương mại trong khuôn khổ AFTA và tiếp tục hướng tới các cấp độ liên kết cao hơn giữa các thành viên trong tương lai. Điều này có nghĩa những giá trị cũng như các thách thức đối với hợp tác khu vực Đông Nam Á vẫn có ý nghĩa và mang tính thời sự. Những thành tựu từ phát triển hợp tác ASEAN trong những năm qua là kinh nghiệm quý báu cho các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng triển khai các chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

Tuy nhiên, để đạt tới những mục tiêu đã đề ra, AEC cần rất nhiều nỗ lực từ các quốc gia thành viên. Về lý thuyết, Cộng đồng kinh tế là mô hình liên kết khu vực ở cấp độ cao hơn nhiều so với Khu vực mậu dịch tự do. Trong đó, các quốc gia đạt đến mức độ tự do hóa gần như hoàn toàn thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Chính sách thương mại được hài hòa và nhất thể hóa. Các quốc gia thực hiện một chính sách thương mại chung với các quốc gia ngoài khối. Tiêu biểu là Cộng đồng Châu Âu của các nước Tây Âu, Cộng đồng Kinh tế Á – Âu của 3 nước Liên – xô cũ gồm Nga, Be-la-ru-xia và Ka-zac-tan,… Trên thực tế, AEC hiện nay mới chỉ là một khu vực mậu dịch tự do chứ chưa phải là một cộng đồng kinh tế theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. AEC sẽ đạt được mục tiêu hình thành thị trường tự do về hàng hóa vào 2018 sau khi bốn nước thành viên mới hoàn thành loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Nhưng mục tiêu tự do hóa hoàn toàn thị trường dịch vụ và đầu tư còn nhiều thách thức với ASEAN. Đặc biệt, mục tiêu hài hòa và nhất thể hóa chính sách thương mại còn rất xa bắt nguồn từ sự đa dạng về cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển. Các nước trình độ phát triển cao hơn trong ASEAN như Singapore, Malaysia có chính sách thương mại khá cởi mở, thông thoáng. Trong khi các nước trình độ phát triển thấp bao gồm Việt Nam, hiện còn phải duy trì nhiều công cụ bảo hộ để hỗ trợ các ngành sản xuất còn hạn chế năng lực cạnh tranh. Trong tương lai gần, ASEAN ít có khả năng hài hòa chính sách để thực thi một chính sách thương mại chung đối với các đối tác ngoài khối.

Việc chưa thống nhất được một chính sách thương mại chung của khối khiến mỗi quốc gia thực hiện một chính sách thương mại riêng với các đối tác thương mại ngoài khối. Một số thành viên theo quan điểm tự do thương mại đã tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển thị trường thông qua các khuôn khổ hợp tác với các đối tác ngoài khối. Trong chừng mực nhất định, sự đa dạng các định hướng hợp tác khiến các thành viên phân tán nguồn lực cũng như sự tập trung cho tiến trình hội nhập kinh tế nội khối. Đó là một trong những yếu tố khiến nhiều biện pháp trong lộ trình AEC bị chậm so với tiến độ.

Tích cực, chủ động tham gia AEC

Bên cạnh tăng trưởng về giá trị, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh các mặt hàng nông sản truyền thống, nguyên nhiên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô… các mặt hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến, mỹ phẩm chiếm tỷ trọng ngày càng tăng. Việt Nam và một số nước ASEAN khác là thành viên các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may. ASEAN đồng thời là nhà đầu tư lớn vào thì trường Việt Nam. Các dự án từ ASEAN nắm giữ sấp xỉ 20% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Những thành viên ASEAN đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

Ngay từ những năm đầu thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Việt Nam đã nhận thức tầm quan trọng của phát triển quan hệ hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực. Việc trở thành thành viên ASEAN năm 1995 là bước đi cụ thể hóa chủ trương này. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trên cơ sở đánh giá tình hình khu vực “ASEAN tiếp tục đẩy mạnh liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, song còn nhiều khó khăn, thách thức” đã chủ trương “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh”.

Để thực hiện chủ trương tham gia tích cực xây dựng AEC như đã được Đại hội Đảng XI thông qua, bên cạnh các giải pháp chung, nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế, cần tập trung triển khai một số công tác cụ thể sau:

Trước hết, cần đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền để xã hội và người dân nắm bắt được những nội dung cơ bản của AEC cũng như ý nghĩa quan trọng của tiến trình này đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Tình trạng thiếu thông tin và hạn chế nhận thức về AEC là thực tế đang tồn tại ở hầu hết các nước ASEAN. Công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian tới cần phải được cải thiện về chất để nâng cao hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thông tin của xã hội. Hình thức tuyên truyền phải đổi mới trên cơ sở tăng cường sử dụng các công cụ truyền thông đại chúng. Bên cạnh các kênh thông tin chính thống cần khuyến khích sự tham gia nghiên cứu, phản biện... của các nhà khoa học, các hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự nhìn nhận khách quan, đa chiều đối với các cơ hội và thách thức AEC.

Thứ hai, nghiêm túc thực hiện các cam kết trong lộ trình đã đề ra để cùng các nước thành viên hoàn thành mục tiêu AEC vào cuối năm. Đồng thời thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm của ASEAN. Tới thời điểm này, Việt Nam là một trong 3 quốc gia đã đạt tỷ lệ thực thi cao nhất các biện pháp trong lộ trình với tỷ lệ trung bình xấp xỉ 90%. Tuy nhiên, những biện pháp còn lại là những vấn đề khó khăn với nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam, liên quan các lĩnh vực giao thông vận tải, dịch vụ, đầu tư… Việc thực thi các biện pháp trong các lĩnh vực này đòi hỏi việc phê chuẩn các văn kiện đã ký kết, xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực thi, hài hòa các điều kiện về kỹ thuật, hạ tầng và giải quyết các vấn đề trong nước. Bởi vậy, cần tăng cường vai trò điều phối Chính phủ nhằm triển khai hài hòa, đồng bộ các biện pháp trong nước và quốc tế.

Thứ ba, tích cực chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và nguồn lực để tham gia các chương trình, dự án tăng cường kết nối ASEAN về cả hạ tầng cứng (đường, cảng, năng lượng,…) và hạ tầng mềm (pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định hải quan...). Mục tiêu của các chương trình kết nối ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ, con người… và tăng cường sự gắn kết giữa các nền kinh tế. Tiêu biểu là các dự án trọng điểm kết nối ASEAN bao gồm các dự án trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối miền Trung Việt Nam với Lào, Bắc Thái Lan và Myanmar, các đề án hợp tác Tiểu vùng Mê Kông, các thỏa thuận đối với phương tiện vận chuyển và hàng quá cảnh, sáng kiến Một cửa ASEAN… Việc triển khai các dự án kết nối khu vực sẽ cho phép Việt Nam phát huy yếu tố vị trí địa lý thuận lợi của mình, khai thác hiệu quả hơn các cơ hội từ thị trường chung ASEAN. Bởi vậy, các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tuỳ theo lĩnh vực thuộc chức năng quản lý cần tiếp tục chủ động tham gia các dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hợp tác năng lượng, viễn thông, hài hoà tiêu chuẩn kỹ thuật, thủ tục hải quan,...

Thứ tư, thúc đẩy cải cách hành chính tập trong lĩnh vực thuận lợi hoá thương mại, cụ thể là thực thi cơ chế Một cửa ASEAN. Cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp là giải pháp phù hợp quy định của pháp luật thương mại quốc tế và mang tính bền vững. Trong bối cảnh các rào cản thương mại đã được dỡ bỏ, quốc gia nào có các cơ chế quản lý minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn các đối thủ trong khai thác các cơ hội AEC. Chúng ta nhận thức rõ ý nghĩa và sự cấp bách của cải cách hành chính đối với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cải cách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của thương mại quốc tế. Đề án “Cơ chế một cửa quốc gia” cho phép điện tử hoá các thủ tục cấp phép ở các Bộ, ngành và tập trung về một đầu mối quốc gia. Quy trình này sẽ giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí hành chính và tình trạng quan liêu. Do đó, cần nhìn nhận việc thực hiện “Cơ chế một cửa quốc gia” không chỉ là một nghĩa vụ trong lộ trình thực thi AEC mà còn xuất phát từ nhu cầu nội tại tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Các cơ quan liên quan cần tập trung khắc phục các khó khăn về kỹ thuật, quản lý… để hoàn thành thiết lập hệ thống một cửa quốc gia và kết nối với các hệ thống của các quốc gia thành viên để hình thành cơ chế một cửa ASEAN.

Thứ năm, cần đổi mới nhận thức, hình thành tư duy và tầm nhìn quy mô khu vực của các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó sẽ dần hình thành những phương pháp tiếp cận đối với các cơ hội và thách thức khi thị trường chung AEC vận hành. Để khai thác một thị trường lớn hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn cần có chiến lược và phương thức kinh doanh dài hạn và bài bản hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, hầu hết là vừa, nhỏ và rất nhỏ. Đặc biệt cần chú trọng xây dựng thương hiệu và công tác nghiên cứu, dự báo thị trường.

TIN LIÊN QUAN
Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025: Cơ hội và thách thức mới đối với Việt Nam
Nguyễn Sơn - Phó Chánh Văn phòng, Ban chỉ đạo Liên ngành HNQT về KT
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/12: Lính NATO thiệt mạng ở Kharkov; bất ngờ cách tuyển quân của Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/12: Lính NATO thiệt mạng ở Kharkov; bất ngờ cách tuyển quân của Ukraine

Lính NATO thiệt mạng ở Kharkov, bất ngờ cách tuyển quân của Ukraine,... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/12.
Chiến sự Nga-Ukraine sáng 21/12: Sĩ quan NATO thiệt mạng; Ukraine nhận viện trợ

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 21/12: Sĩ quan NATO thiệt mạng; Ukraine nhận viện trợ 'khủng'

Sĩ quan NATO thiệt mạng; Nga thắng lớn, Ukraine nhận viện trợ khủng... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin chiến sự Nga-Ukraine sáng 21/12.
Mời tham dự Triển lãm toàn cầu Bharat Mobility 2025

Mời tham dự Triển lãm toàn cầu Bharat Mobility 2025

Từ ngày 17-22/1/2025, Triển lãm toàn cầu về lĩnh vực ô tô ‘Bharat Mobility 2025” sẽ diễn ra tại TP. Greater Noida, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út đề xuất tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thương vụ

Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út đề xuất tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thương vụ

Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm việc tại thương vụ.
Thương vụ Việt Nam tại Maroc: Bờ Biển Ngà sẽ là cánh cửa đưa hạt điều, gạo Việt Nam sang Tây Phi

Thương vụ Việt Nam tại Maroc: Bờ Biển Ngà sẽ là cánh cửa đưa hạt điều, gạo Việt Nam sang Tây Phi

Chiều ngày 19/12, tại Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi, Thương vụ tại Maroc đã có kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục

Thương vụ Việt Nam tại Israel tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Thương vụ Việt Nam tại Israel tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel đã tháo gỡ nhiều khó khăn lớn mà các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Tập trung phát triển thương mại nông sản, xúc tiến đầu tư hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Tập trung phát triển thương mại nông sản, xúc tiến đầu tư hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực.
Chánh Văn phòng Bộ Công Thương: Đề nghị các thương vụ cung cấp thông tin hoạt động thường xuyên, đầy đủ

Chánh Văn phòng Bộ Công Thương: Đề nghị các thương vụ cung cấp thông tin hoạt động thường xuyên, đầy đủ

Chánh Văn phòng Bộ Công Thương đề nghị thương vụ cung cấp thường xuyên, đầy đủ thông tin ở các thị trường để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Chiến sự Nga-Ukraine sáng 20/12: Lính đánh thuê Ukraine rút lui ồ ạt; Ukraine thiêu rụi kho dầu Nga

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 20/12: Lính đánh thuê Ukraine rút lui ồ ạt; Ukraine thiêu rụi kho dầu Nga

Lính đánh thuê Ukraine rút lui ồ ạt, Ukraine thiêu rụi kho dầu Nga,... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin chiến sự Nga-Ukraine sáng 20/12.
Dư địa hợp tác sản xuất đồ uống giữa Việt Nam - Nhật Bản còn rất lớn

Dư địa hợp tác sản xuất đồ uống giữa Việt Nam - Nhật Bản còn rất lớn

Với dư địa hợp tác sản xuất đồ uống giữa Việt Nam - Nhật Bản còn rất lớn, doanh nghiệp Việt kỳ vọng sẽ kết nối sâu hơn với các đối tác Nhật Bản.
Mời tham dự Hội chợ thủ công quốc tế Surajkund lần thứ 38 tại Ấn Độ

Mời tham dự Hội chợ thủ công quốc tế Surajkund lần thứ 38 tại Ấn Độ

Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Surajkund lần thứ 38 tại Surajkund, Faridabad, bang Haryana, Ấn Độ sẽ diễn ra từ ngày 7-23/2/2025.
Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh là cầu nối đưa hàng nông sản Việt vào sâu thị trường Trung Quốc

Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh là cầu nối đưa hàng nông sản Việt vào sâu thị trường Trung Quốc

Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cam kết phát huy vai trò cầu nối đưa hàng nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập: Nhiều tiềm năng trong thúc đẩy đàm phán FTA với Ai Cập

Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập: Nhiều tiềm năng trong thúc đẩy đàm phán FTA với Ai Cập

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập khẳng định: Ai Cập đã có phản hồi tích cực với đề xuất đàm phán FTA từ Việt Nam.
Mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế khu vực Á - Phi và định hướng tương lai

Mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế khu vực Á - Phi và định hướng tương lai

Với các nước châu Á, Việt Nam đã ký kết 14 FTA, chiếm tới 82% tổng số FTA đã ký, giúp thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia: Thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững trong bối cảnh Indonesia tự chủ lương thực

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia: Thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững trong bối cảnh Indonesia tự chủ lương thực

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia chia sẻ thách thức và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững khi Indonesia thực hiện chiến lược tự chủ lương thực.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc: SMR khơi mở

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc: SMR khơi mở 'cánh cửa' điện hạt nhân cho Việt Nam

Từ thực tiễn triển khai SMR trong cơ cấu nguồn điện của Hàn Quốc, Tham tán Phạm Khắc Tuyên đã đưa ra những gợi ý và chính sách đối với Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines: Giữ vững thị trường truyền thống để ổn định hoạt động xuất khẩu gạo

Thương vụ Việt Nam tại Philippines: Giữ vững thị trường truyền thống để ổn định hoạt động xuất khẩu gạo

Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philippines cho rằng, cần giữ vững thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Philippines nhằm ổn định xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại UAE: Hợp tác đầu tư - chìa khóa nâng cao quan hệ hợp tác Việt Nam-UAE

Thương vụ Việt Nam tại UAE: Hợp tác đầu tư - chìa khóa nâng cao quan hệ hợp tác Việt Nam-UAE

Chiều ngày 19/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi.
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024

Trong khuôn khổ của chuyến công tác tại Nhật Bản, sáng 19/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024.
Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày thích ứng với chuyển đổi xanh trong EVFTA

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày thích ứng với chuyển đổi xanh trong EVFTA

Ngày 19/12, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức toạ đàm nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày chuyển đổi xanh trong EVFTA.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Doanh nghiệp Nhật Bản góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Việt Nam

Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Doanh nghiệp Nhật Bản góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Việt Nam

Sáng ngày 19/12, tại Nhật Bản, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản 2024, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đã có bài phát biểu.
Chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/12: Nga bắt giữ 30 lính đánh thuê Ukraine; Ukraine từ chối đề nghị của Hungary

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/12: Nga bắt giữ 30 lính đánh thuê Ukraine; Ukraine từ chối đề nghị của Hungary

Nga bắt giữ 30 lính đánh thuê Ukraine, Ukraine từ chối đề nghị của Hungary... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/12.

'Làn gió mới' trong chính sách đối nội, đối ngoại của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shigeru Ishiba

Thủ tướng Shigeru Ishiba mang đến 'làn gió mới' cho Nhật Bản với chính sách đối nội sâu rộng, đối ngoại cân bằng, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững.
Trung Quốc công bố hình ảnh thử nghiệm máy bay không người lái

Trung Quốc công bố hình ảnh thử nghiệm máy bay không người lái

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lần đầu tiên công bố hình ảnh thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) siêu thanh MD-22.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với Tập đoàn BP về hợp tác phát triển năng lượng

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với Tập đoàn BP về hợp tác phát triển năng lượng

Sáng 17/12/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn BP, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Xem thêm
Mobile VerionPhiên bản di động