Việc ký kết thỏa thuận không những giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á mà còn với các nước phát triển, đang phát triển khác thông qua mạng lưới của UNESCO, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam đối với khu vực và quốc tế, góp phần đóng góp cho sự phát triển khoa học cơ bản của khu vực và trên thế giới. Việc thành lập hai trung tâm dạng 2 này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ về mục tiêu hình thành các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.
Cụ thể, các trung tâm này sẽ tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế với sự hợp tác của IBSP (Chương trình khoa học cơ bản quốc tế), ICTP (Trung tâm vật lý lý thuyết quốc tế) thuộc UNESCO và các tổ chức khoa học khác; tổ chức các sự kiện khoa học và chuyển giao tri thức thông qua các hoạt động ngắn hạn, bao gồm các lớp học, hội thảo, hội nghị, seminar phù hợp với các chương trình của UNESCO.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc Việt Nam tham gia mạng lưới Trung tâm khoa học dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ là sự công nhận của quốc tế đối với trí tuệ của Việt Nam bên cạnh những công nhận về di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam. Đồng thời khẳng định và nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam; giúp khoa học Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Với việc thành lập hai trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý, Việt Nam mong muốn thể hiện trách nhiệm của mình đối với việc phát triển khoa học cơ bản theo những mục tiêu mà UNESCO đề ra, hỗ trợ các quốc gia trong khu vực và các quốc gia đang phát triển khác trong hai lĩnh vực này.
Về phía Việt Nam, Chính phủ cam kết ủng hộ cao nhất đối với hoạt động của hai trung tâm này, tạo mọi điều kiện cần thiết về thể chế, tài chính, nhân lực,… để hai trung tâm hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia vào Chương trình khoa học cơ bản quốc tế của UNESCO và đạt được các mục tiêu chung của UNESCO đề ra.