Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông” do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh chiều ngày 8/12.
Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng cũng như các yêu cầu khắt khe tại các thị trường lớn trên thế giới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp đang ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp |
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn của ngành nông nghiệp thì tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là trồng trọt và chăn nuôi vẫn diễn ra. Không ít những trường hợp hàng hóa nông sản xuất khẩu bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Thực tế cho thấy, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm… vốn dĩ có vai trò rất lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sử dụng sai cách, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm nhằm thu lợi bất chính đã khiến các sản phẩm này bị hiểu sai, hiểu nhầm về công dụng.
Do đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền; trong đó có tuyên truyền trên báo chí để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất là rất cần thiết.
Toàn cảnh tọa đàm |
Theo đó, để tuyên truyền đúng và hiệu quả vấn đề trên cần đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm… Những giải pháp này góp phần đưa các mặt hàng tiêu dùng, nông sản đến với người tiêu dùng ngày càng an toàn hơn cũng như gia tăng giá trị xuất khẩu…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, để nông nghiệp phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là làm thế nào để tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng kỹ thuật để phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, vật nuôi và môi trường. "Hiểu được điều này, thời gian qua, Hiệp hội và doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật đã đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng cùng nông dân hiểu rõ về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật cũng như đẩy mạnh các hoạt động tập huấn thường xuyên cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Cùng với sự vào cuộc của truyền thông, sự chủ động của doanh nghiệp, ông Lê Văn Thiệt – Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin rằng, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành: Sản xuất theo chuỗi liên kết hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… phải gia tăng sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong thời gian tới.
Đồng thời, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư khai thác các nguồn nguyên liệu bản địa, nhất là các nguồn mà Việt Nam có lợi thế như các loại cây độc làm thuốc thảo mộc (ruốc cá, trẩu, sở, xoan ta, xoan Ấn Ðộ…) hay khai thác các nguồn phụ phẩm như bã sở, hạt chè để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.