Ngày 18/4, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Học viện Phụ nữ và các bên liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề: Tôn trọng quyền SHTT và bình đẳng giới trong văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại hội thảo |
Hội thảo được tổ chức trong một thời điểm rất có ý nghĩa với việc chào mừng ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam - 21/4. Sự kiện này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động mà Việt Nam và các nước trên thế giới hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 và Ngày SHTT thế giới 26/4.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hằng năm, Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) đều lựa chọn một chủ đề riêng để chào mừng Ngày SHTT Thế giới, năm nay chủ đề được chọn là “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lại tốt đẹp hơn”. Những thanh niên, những người trẻ tuổi là những nhà đổi mới, sáng tạo sẽ là chủ nhân tương lai.
Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, những người trẻ tuổi ở Việt Nam và trên toàn thế giới đang thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra những con đường đến một tương lại tốt đẹp hơn. Ngày SHTT thế giới 2022 ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai bền vững.
Nói đến tương lai chúng ta không thể không quan tâm đến thế hệ trẻ, tương lai của chúng ta có bền vững hay không cũng sẽ phụ thuộc vào ý thức và sức sáng tạo của thế hệ trẻ.
“Với chủ đề này, các hoạt động chào mừng Ngày SHTT năm nay được Cục SHTT chúng tôi chú trọng triển khai tại các trường đại học - cái nôi nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng của đất nước” - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ, chủ đề của hội thảo hôm nay rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa khi lồng ghép được vai trò của bình đẳng giới trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT ở phương diện văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam.
Theo ông Đinh Hữu Phí, sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền SHTT của người khác.
Cũng không thể có những sinh viên, thế hệ thanh niên xuất sắc nếu không có sự hiểu biết và tôn trọng quyền bình đẳng giới. Bởi lẽ, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững.
“Hơn ai hết, những người trẻ tuổi chính là những người thổi hồn tiên phong thực hiện các hoạt động bình đẳng giới và tôn trọng quyền SHTT trong mọi lĩnh vực, trong đó có việc tôn trọng văn hoá đọc dưới mọi hình thức” - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.
SHTT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt là đối với nền kinh tế tri thức mà Việt Nam và nhiều nước khác đang hướng tới. Trong khi đó, bình đẳng giới cũng đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm.
Việc lồng ghép của quyền SHTT trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội… trong đó có nội dung về bình đẳng giới cũng đang được các nước trên thế giới và tổ chức SHTT thế giới (WIPO) quan tâm nhiều hơn.
Do vậy, việc tổ chức hội thảo là một hoạt động nhằm khơi dậy và khuyến khích sinh viên Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học trên tinh thần tôn trọng quyền SHTT và bình đẳng giới, đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình đối với các lĩnh vực này.
Chia sẻ tại hội thảo, Luật sư Lê Xuân Lộc (thành viên Công ty Luật T&G) cho rằng, trường đại học là nơi hội tụ của tinh hoa trí tuệ, của những sáng tạo của tuổi trẻ. Vì vậy, SHTT trong môi trường đại học có rất nhiều nhưng trong mỗi trường đại học, trung tâm nghiên cứu lại có những loại hình SHTT khác nhau.
Các loại tài sản trí tuệ trong trường đại học thường bao gồm: tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học; tài sản trí tuệ từ các hoạt động chuyên môn và ngoại khóa khác; tài sản trí tuệ từ hoạt động hợp tác với các đối tác bên ngoài trường.
Luật sư Lê Xuân Lộc cũng chỉ ra một số hành vi xâm phạm quyền SHTT phổ biến của sinh viên là sao chép tác phẩm; sử dụng sách/truyện/hàng hóa khác là hàng giả; sử dụng phần mềm không có bản quyền; xem phim, nghe nhạc từ các trang web lậu. Theo đó, việc cho sinh viên tiếp xúc nhiều hơn với các kiến thức về quyền SHTT sẽ góp phần nâng cao nhận thức, giảm hành vi xâm phạm quyền SHTT của sinh viên trong môi trường đại học.