Nâng cao năng lực kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp hóa chất
Sự kiện với sự tham dự của đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Trung tâm Hợp tác môi trường Nhật Bản; Bộ Môi trường Nhật Bản (trực tuyến), cùng các chuyên gia đến từ Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS), Công ty PoA Carbon, các viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp, trường đại học; cùng đại diện của gần 70 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất hóa chất.
Nâng cao năng lực báo cáo kiểm kê KNK cho doanh nghiệp
Trong năm 2024, để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính (KNK) bắt buộc theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, các hội thảo đào tạo về kiểm kê khí nhà kính và sử dụng Hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính trực tuyến cho sản xuất xi măng, sắt thép và giao thông vận tải trong khuôn khổ Dự án SPI-NDC, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, đã được Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) phối hợp với Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) tổ chức thành công.
Bà Đặng Hồng Hạnh, đồng sáng lập – Giám đốc điều hành VNEEC |
Đây là hệ thống báo cáo quốc gia đang được Cục Biến đổi khí hậu xây dựng và hoàn thiện để doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg sẽ thực hiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ.
Theo bà Đặng Hồng Hạnh, đồng sáng lập – Giám đốc điều hành VNEEC cho biết: Trong năm 2024, các hội thảo đào tạo đã được tổ chức cho các doanh nghiệp ngành xi măng, sắt thép, giao thông vận tải trong khuôn khổ dự án SPI-NDC.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực về kiểm kê khí nhà kính và báo cáo kết quả theo quy định của Chính phủ, VNEEC phối hợp với VETS và Công ty Cổ phần Quản lý PoA Carbon Việt Nam tiếp tục tổ chức Khóa đào tạo về kiểm kê khí nhà kính và sử dụng hệ thống báo cáo kết quả trực tuyến cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực hóa chất.
"Khóa đào tạo nhằm cung cấp kiến thức và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp hóa chất về kiểm kê khí nhà kính và báo cáo kết quả theo quy định của Chính phủ"- bà Hạnh nhấn mạnh.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Chia sẻ về kinh nghiệm từ Hệ thống báo cáo và kiểm kê khí nhà kính bắt buộc của Nhật Bản, ông Takuya Nomoto - Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết: Chương trình hành động về Biến đổi khí hậu ASEAN của Nhật Bản được khởi động năm 2018 dựa trên Sáng kiến Hợp tác môi trường ASEAN Nhật Bản. Trong chương trình này Nộ Môi trường Nhật Bản đã đưa ra mục tiêu là tăng cường hợp tác trong khu vực về biến đổi khí hậu với ASEAN thông qua ba khía cạnh: Minh mạch, thích ứng và giảm nhẹ thông qua cơ chế tín chỉ chung.
Theo đó, Nhật Bản đã thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời Chính phủ đã kiểm tra tiến độ hàng năm và rà soát kế hoạch sau 3 năm; Thiết lập cơ quan đầu mối phụ trách xúc tiến các biện pháp ứng phó với sự nóng lên toàn cầu là Chủ tịch, Thủ tướng, Phó Chủ tịch, Chánh văn phòng Nội các Chính phủ, Bộ Môi trường Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Ông Kato Makoto – Trung tâm Hợp tác môi trường Nhật Bản |
Đối với Hệ thống kiểm kê và báo cáo khí nhà kính bắt buộc, Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp phát thải trên 3.000 tấn khí nhà kính mỗi năm có nghĩa vụ kiểm kê và báo cáo lượng phát thải cho Chính phủ và Chính phủ sẽ công bố thông tin đã báo cáo.
“Việc tính toán và báo cáo lượng phát thải sẽ được thực hiện trên cơ sở từng doanh nghiệp”- ông Takuya Nomoto.
Chia sẻ thêm về cách thức thực hiện hỗ trợ tài chính xanh cho doanh nghiệp trong thực thi giảm phát thải ông Kato Makoto – Trung tâm Hợp tác môi trường Nhật Bản cho biết: Nhiều tổ chức tài chính ở Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính xanh cho các doanh nghiệp hóa chất thực thi ESG thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên của doanh nghiệp.
“Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể lượng khí thải cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”- ông Kato Makoto nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Kato Makoto cũng lưu ý, ngân hàng trong nước đóng vai trò quan trọng trong cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp trong thực thi kiểm kê khí nhà kính.
“Việc kiểm kê KNK không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định của Chính phủ mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược giảm phát thải và phát triển bền vững của doanh nghiệp”- ông Kato Makoto chia sẻ.
Tại hội thảo tập huấn, các chuyên gia đã trình bày các thông tin về cơ chế, chính sách trong báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; Tổng quan về ngành, các nguồn phát thải và phương pháp kiểm kê KNK cho các cơ sở sản xuất hóa chất; Hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê KNK trực tuyến về giao diện, các chức năng chính và quy trình thực hiện báo cáo trên hệ thống trực tuyến |