Giảm phát thải khí nhà kính: Không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp |
Ngày 14-15/12, tại Hà Nội, Hội nghị Tập huấn về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất xi măng” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng phối hợp với Dự án SPI-NDC của JICA tổ chức theo hình thức online và trực tiếp.
Mục tiêu của hội thảo nhằm giới thiệu các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật cho cơ quan quản lý có liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu theo Cam kết quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC).
Giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay không chỉ đối với các Chính phủ, các nền kinh tế, các tổ chức xã hội và mà cả đối với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngành xi măng là một phân khúc quan trọng trong ngành sản xuất công nghiệp có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn trong tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh, ngày 13/12/2022, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra các yêu cầu về kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính với các doanh nghiệp. Sau đó Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã đưa ra danh sách các đơn vị sẽ phải thực hiện nghĩa vụ này”.
Ông Phạm Văn Tấn trao đổi với các doanh nghiệp về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính |
“Từ tháng 10/2023, các sản phẩm thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu. Do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia “cuộc chơi” toàn cầu”, ông Phạm Văn Tấn khẳng định.
Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, tại Nghị định 06, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho 5 Bộ với tổng mức hạn ngạch phải giảm phát thải 563,8 triệu tấn CO2 đến năm 2030, trong đó Bộ Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2. Bộ Xây dựng xác định, sản xuất xi măng là lĩnh vực phát thải nhiều nhất, chiếm đến 70% tổng lượng phát thải trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng”.
Ông Vũ Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị |
“Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 25% vật liệu chủ yếu sản xuất trong nước ngoài việc giảm phát thải khí nhà kính phải đạt chứng nhận Sản phẩm Xanh. Do vậy hội nghị tập huấn này không những giúp cho các doanh nghiệp xi măng nâng cao nhận thức, cũng như có những hành động kịp thời để có thể đưa ra các biện pháp nhằm áp dụng các mô hình sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, giúp giảm phát thải khí nhà kính đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia”, ông Vũ Ngọc Anh cho biết thêm.
Ông Koji Fukuda - Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC khẳng định: “Môi trường kinh doanh đang thay đổi, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích ứng và nâng cao tính cạnh tranh của mình. Trong bối cảnh Việt Nam cũng đã có những chính sách lớn làm thay đổi môi trường kinh doanh như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06… cùng hàng loạt các văn bản được ban hành nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26, điều này cũng đã có những tác động và liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có ngành sản xuất xi măng. Vậy làm thế nào để tính toán phát thải, để tối ưu hóa các giải pháp giảm nhẹ, làm thể nào để quá trình sản xuất của doanh nghiệp gắn với kinh tế tuần hoàn?... sự tận dụng cơ hội này để chúng ta có thể thay đổi cũng như tạo ra những giá trị trong kinh doanh”.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã tiếp tục thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật về biến đổi khí hậu “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (Dư án SPI-NDC)" với sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu từ năm 2021.
“Hội nghị tập huấn cho ngành xi măng với trọng tâm chiến lược của chúng tôi nhằm cung cấp kiến thức thực tế cho các đơn vị nhằm giám sát được hoạt động phát thải của doanh nghiệp cũng như các ngành kinh tế mà một trong những trụ cột chính là vai trò của các tổ chức tư nhân để tăng cường hơn nữa thế mạnh của khu vực tư nhân chúng tôi đã có những chương trình đối thoại sâu từ tháng 10/2022 và bắt đầu từ ngành xi măng, tiếp theo sẽ là các ngành sản xuất khác”, ông Koji Fukuda cho biết.
Nội dung của chương trình hội nghị tập huấn gồm: Các quy định, yêu cầu của pháp luật về biến đổi khí hậu liên quan và giới thiệu các thực hành tốt trong ngành xi măng Nhật Bản và Việt Nam; các bài trình bày liên quan đến kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; lập kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp và phần thực hành của doanh nghiệp... |