Đó là nhận định của TS. Nguyễn Văn Khách – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tại Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa”, diễn ra sáng 30/11 tại Hà Nội.
Cổ phần hóa vẫn “bình mới rượu cũ”
Trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Song quá trình cổ phần hóa DNNN vẫn còn tình trạng “bình mới rượu cũ”, doanh nghiệp đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là những người cũ.
TS. Nguyễn Đại Lai – chuyên gia tài chính, ngân hàng – cho rằng, cổ phần hóa đơn giản là “biến hoá” DNNN thành Công ty cổ phần để Nhà nước cùng người lao động thu tiền về bằng cổ phần và cùng tồn tại. Những doanh nghiệp nào không bị xóa thì hầu như vẫn không có gì đổi mới về cấu trúc thời hậu cổ phần hóa. “Lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ- vẫn vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước...” – TS. Lai nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định này, TS. Nguyễn Văn Khách cho rằng, tiến độ cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm. Theo Bộ Tài chính, đến tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Đến ngày 18/11/2018, mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp, trong khi kế hoạch năm 2018 phải cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Về kế hoạch thoái vốn, chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn (kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp). Bên cạnh đó, còn chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện có 35 doanh nghiệp chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC và 667 DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, việc công bố thông tin và tính minh bạch đối với DNNN còn thấp. Theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN, các DNNN phải công bố các thông tin về: báo cáo tài chính năm; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm kế tiếp; báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức… Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, mới có 265/622 doanh nghiệp (chiếm 42,6% số DNNN) gửi báo cáo đến Bộ này để công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các DNNN còn nhiều hạn chế, chủ yếu căn cứ vào các báo cáo hành chính của công ty, trong khi cơ chế xác định tính trung thực của các báo cáo này còn chưa cao do nhiều DNNN chưa thực hiện kiểm toán độc lập.
Xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế
Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trước nay chúng ta quản lý DNNN theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra… như thế vô tình, chúng ta khoác cho DNNN cái áo chật chội mà không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới DNNN là quản trị tốt. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
Nhằm thúc đẩy quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN trong bối cảnh toàn cầu, TS. Khách cho rằng, cần thực hiện việc tách biệt chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, thông qua hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư. Điều này đã thể hiện ở việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng.
Tuy nhiên, cần phải xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung, ông Khách nói.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN.
Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.