Bộ Công Thương: Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương: Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý cấp Vụ |
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Công Thương, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Công Thương cho biết: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã ký kết thành công 3 FTA thế hệ mới bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). Các Hiệp định này là động lực đổi mới, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, trực tiếp thực hiện công tác đàm phán, ký kết các FTA và triển khai các Hiệp định đã ký kết, bối cảnh trên đặt ra những thách thức, yêu cầu mới về năng lực, chuyên môn, cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương.
Theo đó, để làm việc trong môi trường hội nhâp quốc tế đòi hỏi cán bộ, công chức ngành Công Thương phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và vận dụng hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động quốc tế. Có kiến thức chuyên môn ngành nghề, pháp luật và thông lệ quốc tế; văn hóa dân tộc và quốc tế cũng như các kỹ năng mềm cần thiết và công cụ giao tiếp chuyên môn như ngoại ngữ, tin học.
Nâng cao chất lượng cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế được Bộ Công Thương triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua. (Ảnh CB) |
“Để giữ vững và nâng cao hiệu quả các kết quả đã đạt được của công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức Bộ Công Thương cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ về hội nhập quốc tế để hình thành đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển”- ông Hiếu cho biết thêm.
Có thể khẳng định, giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thành quả đạt được trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương cũng đã chú trọng nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiệu quả hoạt động cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tính riêng giai đoạn 2015-2019, Bộ Công Thương đã tổ chức bồi dưỡng ở trong và ngoài nước không chỉ cho cán bộ, công chức thuộc Bộ mà cho hơn 24.000 cán bộ, công chức Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng.
Nội dung đào tạo bồi dưỡng về các kiến thức chung nhất về hội nhập kinh tế quốc tế (đường lối chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các hình thức hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam đã, đang tham gia và ký kết) và các kiến thức chuyên sâu (các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các liên minh thuế quan trong thương mại quốc tế, khả năng đáp ứng các cam kết thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, chuyển giao công nghệ, cơ chế hợp tác đa phương, di chuyển tự do các nguồn lực trong APEC,…)
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được chú trọng ngay từ những năm đầu tiên của giai đoạn, từ các phương thức truyền thống như: báo giấy, hội thảo đến các hình thức truyền thông hiện đại, đa phương tiện đã được áp dụng.
Tất cả các hoạt động đó đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên cả nước nói chung và Bộ Công Thương nói riêng. Đồng thời, chính quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra môi trường thực tế để rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức; từ đó, đã xuất hiện nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh trước xu thế hội nhập, có kỹ năng đàm phán, có kiến thức vững vàng và khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ vẫn còn khoảng cách so với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế và cần đáp ứng tốt hơn nữa với nhu cầu, đòi hỏi thực tiễn.
Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng được xây dựng sát với yêu cầu thực tế, đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm. Nội dung, chương trình bồi dưỡng ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn với vị trí việc làm, với yêu cầu công việc. Hình thức đào tạo đa dạng, linh hoạt hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19.
Tuy nhiên bên cạnh một số kết quả đạt được, hiện khó khăn đối với công tác đào tạo đó chính là kinh phí còn hạn chế, chương trình đào tạo bồi dưỡng chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và yêu cầu cần thiết của công việc.
Để khắc phục tồn tại trên, ông Hiếu cho rằng, thời gian tới cần đầu tư cho công tác dự báo nhu cầu, xây dựng chương trình, kế hoạch và huy động các nguồn lực cho đào tạo bồi dưỡng đảm bảo phù hợp với từng đối tượng cán bộ. Sớm xây dựng hoặc ban hành khung năng lực, vị trí việc làm; đặc biệt là khung năng lực cho đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế để làm căn cứ chọn cử cán bộ phù hợp đi đào tạo bồi dưỡng, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp…