Đó là thông tin các chuyên gia lưu ý tới doanh nghiệp tại Hội thảo Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 5/3, tại Hải Dương.
Nhiều điểm mới
Tại hội nghị, các diễn giả đã trình bày, trao đổi về một số chuyên đề nhằm giúp đại biểu hiểu rõ hơn quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP như: Cơ hội và thách thức đến từ các quy định về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP; quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 8/3/2018 và một số điểm mới doanh nghiệp cần lưu ý; quy trình cấp C/O mẫu CPTPP và kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; so sánh quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP với các FTA song phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc từ trong thực tế triển khai các quy định về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, với tinh thần khẩn trương xây dựng văn bản nội luật hóa nhằm thực hiện các cam kết tại CPTPP, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/1/2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP. Thông tư gồm 5 chương, 33 điều và 9 phụ lục kèm theo, trong đó chương I: Quy định chung; chương II: Quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa; chương III: Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; chương IV: Quy định riêng đối với hàng dệt may; chương V: Điều khoản thi hành.
So với các FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới gồm: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC (hàm lượng giá trị khu vực của hàng hóa): Ngoài công thức tính RVC gián tiếp và RVC trực tiếp, có thêm công thức tính RVC theo trị giá tập trung và công thức tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô).
Bên cạnh đó, danh mục quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể (PSR) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể. CPTPP cũng đưa ra quy định "De Minimis"- đây là điều khoản quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc “chuyển đổi mã số hàng hóa” ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa. Riêng mặt hàng dệt may có quy định “De Minimis” khác.
Mặt khác, mẫu C/O mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP.
Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.
Tận dụng lợi ích từ CPTPP
Tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Đây là Hiệp định có tác động to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng, đặc biệt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Việc tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của Hiệp định CPTPP nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức là hết sức cần thiết. Đồng thời, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ trong CPTPP, tận dụng hiệu quả việc áp dụng quy tắc xuất xứ để tiếp cận và thâm nhập thị trường các nước thành viên trong CPTPP.
Doanh nghiệp cần nắm quy định xuất xứ hàng hoá để tận dụng lợi ích (Ảnh - Quỳnh Nga) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ, những điểm DN cần lưu ý khi triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP đó là: Thứ nhất, doanh nghiệp cần nắm được những quy định về xuất xứ hàng hóa, bởi vì mỗi một hiệp định khác nhau thì quy định xuất xứ hàng hóa lại khác nhau. Thứ hai, doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề lưu trữ hồ sơ, chứng từ xuất xứ. Bởi vì, không phải khi chứng từ của chúng ta được chuyển sang nước nhập khẩu và được hưởng ưu đãi là xong.
“Trong quá trình kiểm tra sau thông quan sau này, hải quan các nước nhập khẩu có thể xem lại hồ sơ và đề nghị xác minh xuất xứ. Nếu như chúng ta không chứng minh được trong quá trình hậu kiểm sau này, thì nước nhập khẩu sẽ không cho chúng ta được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định” - bà Trịnh Thị Thu Hiền nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hoàng, Phụ trách phòng xuất nhập khẩu, Công ty TNHH May Tinh Lợi cho rằng, sự có mặt của Hiệp định CPTPP giúp cho doanh nghiệp có thêm lợi thế trong việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường mới. Tuy nhiên, CPTPP có một số quy định về hàng dệt may tương đối khó khăn và chặt chẽ. Tham gia hội thảo, doanh nghiệp được hiểu thêm về những điều kiện, quy định nhập khẩu và điều kiện được hưởng ưu đãi tại các thị trường mới trong CPTPP, qua đó có cách tiếp cận dễ dàng hơn.
Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/1/2019 của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 8/3/2019. Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp đinh và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu. |