Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia năm 2021 đã chính thức diễn ra vào tối ngày 20/4, tại Ninh Bình, đúng vào dịp Lễ hội Hoa Lư - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đồng thời kỷ niệm 1.053 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế càng làm long trọng thêm giá trị của Lễ khai mạc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên, lập quốc trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Năm Du lịch quốc gia 2021 được tổ chức thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành du lịch Việt Nam |
Năm Du lịch quốc gia 2021 với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm” là chuỗi các hoạt động xuyên suốt cả năm với 38 hoạt động được tổ chức tại Ninh Bình và 104 hoạt động hưởng ứng của các tỉnh, thành phố nhằm khích lệ và thúc đẩy ngành du lịch cả nước có thêm động lực vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển; chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế trong trạng thái “bình thường mới”; xây dựng hình ảnh Việt Nam là Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021- cho biết, được phép của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, Ninh Bình tiếp tục đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình trước du lịch cả nước, cũng là cơ hội để khẳng định vị thế, hình ảnh du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới; thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được sự quan tâm của Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và thế giới. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt trên 11%. Năm 2019, Ninh Bình đón gần 8 triệu lượt khách, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, tạo động lực thúc đẩy, định hướng chiến lược phát triển cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
"Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước"- ông Phạm Quang Ngọc cho hay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 |
Những năm vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới, vào nhóm 10 nước có tốc độ phát triển cao nhất và giành được nhiều giải thưởng uy tín quốc tế về du lịch, như: Số 1 thế giới về du lịch di sản, ẩm thực và số 1 châu Á về du lịch golf. Ninh Bình cũng được vinh danh là 1 trong 50 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, 1 trong 20 điểm đến lý tưởng của du lịch khám phá. Vừa qua, Ninh Bình cũng được bầu chọn là điểm đến hiếu khách nhất.
Phát biểu tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, có được sự phát triển đó là nhờ sự đóng góp của cộng đồng làm du lịch, trong đó có nhiều nhà đầu tư du lịch đã giúp hạ tầng phát triển nhanh với nhiều công trình quy mô và những sản phẩm chất lượng mang tầm quốc tế. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của người dân khắp mọi miền trong việc tham gia làm du lịch, xây dựng sản phẩm mới, cùng nhau khắc phục những bất cập...
Trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới, để du lịch Việt Nam nhanh chóng khôi phục thị trường khi chưa thể đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương, đơn vị cùng thực hiện thật nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa; rà soát lại các chủ trương, chính sách phát triển, hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm du lịch, sẵn sàng cho bước phát triển mới khi mở cửa đón khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các hiệp hội du lịch hỗ trợ và khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động liên kết, hỗ trợ để phát triển du lịch một cách bền vững, an toàn... Ngoài ra cần kết hợp chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các chương trình, đề án nhằm một mặt gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, của từng địa phương, mặt khác xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, hợp với xu thế.
"Tất cả những điều trên và nhiều điều khác nữa đều rất cần sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp. Ngay trong dịp lễ khai mạc ở Ninh Bình năm nay chúng ta vui mừng nhận thấy nhiều hoạt động kết nối đã và đang được triển khai nhộn nhịp hứa hẹn mang lại những xung lực mới cho ngành du lịch" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.