Cường độ siêu bão số 3 Yagi rất mạnh, Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp Tin bão khẩn cấp (cơn bão số 3): Ngày mai 6/9, Vịnh Bắc Bộ gió giật cấp 17, biển động dữ dội |
Công điện nêu rõ, sáng ngày 5/9, bão số 3 (bão Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17. Dự báo, sáng mai bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16. Từ đêm mai ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tỉnh Nam Định với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển; gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền.
Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão, nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Dự báo vị trí và hướng di chuyển bão số 3. Ảnh: VNDMS |
Thứ nhất, thực hiện nghiêm Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024, Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 03/9/2024 và văn bản số 862/UBND-VP3 ngày 05/9/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.
Thứ hai, Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Thứ ba, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó tập trung:
Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, ven biển) và tại nơi tránh trú.
Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở không bảo đảm an toàn; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin về diễn biến của bão đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình, tháo dỡ biển hiệu quảng cáo, cắt tỉa cành cây, … để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh tán cây; triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị. Khẩn trương thu hoạch diện cây rau màu đến kỳ thu hoạch và phối hợp với Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện tốt việc tiêu rút nước đệm, nhất là vùng trũng thấp, vùng có khả năng tiêu nước kém. Hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thuỷ sản.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
Tổ chức trực ban 24/7 theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thứ ba, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tỉnh chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cưu hộ, cứu nạn ứng cứu khi có yêu cầu. Cấm các phương tiện ra khơi từ 6 giờ ngày 06/9/2024, cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6 giờ ngày 06/9/2024 đến khi có tin bão cuối cùng; kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; Nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vây vạng vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 11 giờ ngày 06/9/2024.
Thứ năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định; các sở, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống bão theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 03/9/2024 và văn bản số 862/UBND-VP3 ngày 05/9/2024 .
Thứ sáu, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ bảy, công ty Điện lực Nam Định kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện để có đủ nguồn điện chất lượng tốt phục vụ công tác phòng, chống bão và phục vụ sản xuất.
Thứ tám, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi
Khẩn trương kiểm tra, rà soát xác định các công trình xung yếu, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố do ảnh hưởng của mưa, bão nhất là các cống dưới đê để chủ động triển khai phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn công trình.
Đối với các công trình có nguy cơ xảy ra sự cố: Phải có giải pháp cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông được biết; bố trí nhân lực thường trực tại công trình 24/24h; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “ bốn tại chỗ”.
Thực hiện phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của UBND tỉnh, kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp về PTNT, UBND cấp huyện khi có tình huống xảy ra.
Chủ động tổ chức tiêu rút nước đệm; rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình.
Thứ chín, giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.