Nam Định dồn dập hành động ứng phó với bão số 3 Trước giờ bão số 3 đổ bộ vào Nam Định, chính quyền và nhân dân ráo riết ứng phó |
Ráo riết thực hiện công tác phòng, chống
Bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Nam Định (khoảng từ 13h đến 19h30 ngày 07/9), trên vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động dữ dội; trên đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10 kèm theo mưa.
Rạng sáng 8/9, lãnh đạo TP. Nam Định đi kiểm tra Trạm bơm Kênh Gia. Ảnh Hoàng Tuấn |
Lượng mưa trung bình trong thời gian bão gần 200 mm, cao nhất tại huyện Giao Thủy 360 mm. Mực nước trên sông Đào tại trạm thủy văn Nam Định 2,60m (nhỏ hơn Báo động I 0,60m); mực nước trên sông Ninh Cơ tại trạm thủy văn Trực Phương 2,40m (lớn hơn báo động II 0,10m), tại trạm thủy văn Phú Lễ 2.10m (lớn hơn Báo động I 0,10m).
Trước cơn bão được đánh giá lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định ráo riết thực hiện.
Đảm bảo an toàn hệ thống điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Nam Định trước cơn bão số 3. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Theo đó, tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các văn bản để chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 3.
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống bão tại địa bàn các huyện, thành phố, nhất là tại 03 huyện ven biển và thành phố Nam Định.
Lãnh đạo TP. Nam Định kiểm tra tình hình sau bão số 3 hoành hành. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Tỉnh Nam Định cấm biển từ 6h ngày 6/9/2024; cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ chiều ngày 6/9/2024. Tổ chức triển khai rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, đặc biệt tuyến đê biển để triển khai ứng phó với bão số 3.
Các bến phà, cầu phao thực hiện việc dừng hoạt động từ 18h ngày 6/9/2024, di chuyển toàn bộ các phương tiện vào âu tàu, chằng buộc đảm bảo an toàn.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định và các cơ quan truyền thông địa phương, nhất là hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo bão.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai 1 Sở Chỉ huy tại huyện Hải Hậu (ven biển) để chỉ huy, điều hành, điều động lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời nhân dân, phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3... Công tác tiêu nước đệm: Các trạm bơm điện lớn đều vận hành hết công suất và mở tối đa các cống để tiêu nước.
Riêng về tình hình tàu thuyền, đến 12h ngày 6/9 toàn bộ 100% tàu thuyền (1.714 tàu/5.287 lao động) của tỉnh đã vào nơi tránh trú an toàn tại các bến trong và ngoài tỉnh; 100% người ở trên các lều, chòi đã vào bờ tránh trú bão.
Tỉnh cũng tổ chức di dời hơn 1.000 người dân trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm và khu tập thể cũ đến nơi trú tránh an toàn; di dời gần 1.000 lao động tại các lều chòi nuôi trồng thủy sản ngoài đê xong trước 18h ngày 6/9.
Ghi nhận hậu quả ban đầu
Bão số 3 gây ra những hậu quả ban đầu, trong đó, khoảng 5.000 ha lúa bị ảnh hưởng; 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng; tốc mái 02 nhà văn hóa.
Hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc,… Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt. Đáng mừng, trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người.
Không gây thiệt hại về người nhưng bão số 3 gây thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân tỉnh Nam Định. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 3, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung tiêu úng thoát nước tại khu vực bị úng, ngập để đảm bảo sản xuất nông nghiệp; tập trung sửa chữa đảm bảo hệ thống lưới điện được thông suốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở đảm bảo an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.
Huy động các lực lượng dọn dẹp ngay vệ sinh môi trường, quét dọn các đường, cơ quan, công sở, trường học... để phục vụ của các cơ sở từ ngày mai đi vào hoạt động bình thường.
Cắt, thu gom cây xanh bị gãy đổ và di dời khỏi vị trí, xử lý vật cản giao thông trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn.
Tỉnh cũng yêu cầu ngành giao thông nối lại hoạt động của các bến phà, chú ý đảm bảo an toàn.