Năm 2020, ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh phấn đấu tăng trưởng GRDP 6%/năm |
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023. Theo đó, năm 2023, thành phố đặt 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng hơn 8% so với năm 2022; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 35% GRDP của TP năm 2023.
Để đạt được 19 chỉ tiêu đề ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 11 nhóm giải pháp trọng tâm. Theo đó, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến yếu tố đầu vào lớn của nền kinh tế, xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ. Triển khai các chính sách tiền tệ, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, linh hoạt, thích ứng với tình hình trong nước và quốc tế.
Tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng quy hoạch thành phố; điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố; phối hợp nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh xác định việc phát huy hiệu quả chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Do đó, năm 2023, tiếp tục chú trọng việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị.
Năm 2022, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tăng trên 17%, gần gấp đoi so với cả nước. |
Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm. Thành phố xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
TP. Hồ Chí Minh xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Đối với ngành công nghiệp, địa phương sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 04 ngành công nghiệp trọng điểm. Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 .
Để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; xây dựng thành phố thông minh, thành phố đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển ngành xây dựng, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện tốt công tác cung cấp nước sạch, điện năng cho người dân.
Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Về an sinh xã hội, thành phố chú trọng phát triển toàn diện và động bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Về kết quả đạt được năm 2022, tính đến tháng 11, TP. Hồ Chí Minh đã đạt và vượt 14/19 chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, GRDP tăng 9,44% so với cùng kỳ (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%); Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 25 triệu lượt, tăng 167,4% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 100%. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao.