Năm 2020: Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI
Bất động sản công nghiệp hút vốn FDI
Thị trường BĐS Việt Nam đang đi đến những ngày cuối cùng của năm 2019 với nhiều ghi nhận tích cực tại phân khúc BĐS công nghiệp. Trong đó, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) luôn cao và giá thuê cũng tăng theo…
Bất động sản công nghiệp- “thỏi nam châm” hút vốn nhà đầu tư |
Trong những năm qua, nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS không ngừng tăng lên, luôn là phân khúc chiếm tỷ trọng hàng đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn FDI đầu tư vào BĐS công nghiệp tăng gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là lĩnh vực kinh doanh BĐS với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ.
Những số liệu trên phần nào cho thấy thị trường BĐS công nghiệp sẽ còn nhiều cơ hội để đồng hành cùng các ngành nghề sản xuất trên con đường tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
BĐS công nghiệp được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam vì được hỗ trợ bởi các chính sách từ Chính phủ như: miễn giảm, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư. Đến nay trên cả nước có 326 KCN, Khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; trong đó, 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt hơn 74%. 88% các KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ là lĩnh vực nóng nhất trong năm 2020 và được đánh giá có nhiều lợi thế, khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết trong năm 2019. Đặc biệt, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các hiệp định, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các cụm, KCN của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp trong nước.
Bất động sản công nghiệp “điểm sáng” năm 2020
Hiện thị trường BĐS công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho, logistics và các dịch vụ hậu cần khác vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển với nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp Việt Nam cũng đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.
Bất động sản công nghiệp đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… Do đó, lĩnh vực này đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ.
Ông John Campbell - Tư vấn cao cấp - Dịch vụ công nghiệp - Savills Việt Nam đánh giá, với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, với nhiều chính sách ưu đại đầu tư, môi trường chính trị ổn định cùng với việc Việt Nam duy trì nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2019 và là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tất cả các yếu tố này, cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam khá hấp dẫn trong thời gian tới.
Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, qua đó tạo đà cho BĐS công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, theo các chuyên gia, cần thay đổi cách tiếp cận về đầu tư BĐS công nghiệp theo hướng các KCN cần gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững trong các KCN...
Đặc biệt, từ năm 2018 các chính sách mới của Chính phủ tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các thành phố thông minh; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng công nghệ 4.0 cùng chiến lược thu hút FDI và thúc đẩy liên doanh liên kết giữa các DN trong và ngoài nước. Xây dựng các giải pháp cân bằng FDI và cho phép tập trung đầu tư vào các tỉnh khác… đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các KCN trên cả nước.
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố (TP) lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 một khu công nghiệp (KCN) mới có diện tích khoảng 380 ha, tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. KCN này được thành lập sẽ đáp ứng được các điều kiện thuận lợi để xây dựng một KCN có tính chất chuyên biệt, ứng dụng công nghệ cao… Đồng thời tạo cơ hội cho TP thu hút thêm dòng vốn FDI thế hệ mới.
Hiện nay, BĐS công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.