Sẽ hấp thụ 56 triệu lao động có việc làm
Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Thị trường lao động 2019: Cơ hội việc làm và tư vấn của chuyên gia” diễn ra ngày 25/3, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) – chia sẻ, năm 2018 là năm thị trường lao động phát triển theo hướng tích cực. Số người có việc làm tăng hơn rất nhiều so với năm trước.
Ngành dệt may vẫn cần nhiều lao động |
Tính đến tháng 9/2018, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,1% (đang đạt chỉ tiêu dưới 4% trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội), góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 38,3%. Hiện cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, chất lượng việc làm còn hạn chế, thể hiện ở năng suất lao động thấp, tỷ lệ người lao động làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao (56,5% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản), thu nhập từ việc làm thấp, một tỷ lệ lớn người làm việc không tiếp cận được các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách về an toàn vệ sinh lao động (khoảng 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Mặc dù vậy, năm 2019 vẫn dự báo là năm thị trường tiếp tục phát triển theo hướng tích cực trên cả 3 yếu tố: Thể chế, các yếu tố của thị trường và cung cầu cũng được dự báo có nhiều hoạt động tạo điều kiện tốt nhất cho người tuyển dụng và người có nhu cầu tìm việc tốt nhất. Đặc biệt, năm nay cũng sẽ là năm hấp thụ số lượng lao động có việc làm lên tới 56 triệu người. Loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thu hút nhiều, khoảng 10 triệu người trong những năm tới.
Lao động tri thức, công nghệ “lên ngôi”
Hiện nay, số lao động làm việc trong ngành công nghiệp xây dựng chiếm 70%, dịch vụ trên 27,8%. “Tuy nhiên, đến năm 2019, thị trường sẽ chuyển trạng thái từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ và tri thức. Do đó những ngành phát triển khu vực này cần lao động nhiều nhất. Bên cạnh đó, ngành dệt may, xây dựng, giày da cũng sẽ vẫn thu hút việc làm” – ông Trung nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cũng cảnh báo, việc người lao động gặp nhiều thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, cùng với việc phải nâng cao khả năng thích ứng, người lao động cần trang bị kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Phía doanh nghiệp cũng phải phối hợp “3 cùng” với cơ sở đào tạo, bao gồm cùng tuyển sinh, cùng đào tạo, cùng giải quyết việc làm xã hội. Với cách làm này, người lao động mới có thể đáp ứng được tốt nhất nhu cầu sử dụng lao động và phía doanh nghiệp cũng tuyển được những nhân lực mà mình mong muốn.
“Năm 2019, các nhóm ngành đòi hỏi trình độ trung và cao vốn đã hiếm nay sẽ càng khan hiếm hơn. Tuy nhiên, đối với nhóm lao động phổ thông chỉ cần đào tạo trong ít ngày vẫn có nhiều cơ hội ở nhóm điện tử, da giày…” - Phó Cục trưởng Cục việc làm cho hay.
Vì thế, lao động phổ thông cần nghiên cứu, tận dụng những gì mình có và tham gia các khóa đào tạo ngắn hoặc dài hạn để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm. Chẳng hạn, lao động phổ thông học những nghề đơn giản để có thể làm được việc ngay. Các bạn từ nông thôn ra thành thị đang gặp nhiều khó khăn do môi trường, điều kiện sinh hoạt thì tốt nhất nên trang bị cho mình một nghề để kiếm việc làm ổn định cuộc sống.