Tại Hội nghị thượng đỉnh nền kinh tế xanh được tổ chức hồi tháng 11 tại Nairobi, các nước cũng đã nhấn mạnh rằng các thành viên phải tập trung vào bảo vệ tương lai của biển và đường thủy nội địa trên thế giới, thay vì chỉ tăng sản lượng thủy sản. Điều này càng đặc biệt hơn khi WTO đang chuẩn bị cho hội nghị cấp Bộ trưởng tiếp theo vào tháng 01 năm 2019. Vì vậy, Chủ tịch Nhóm đàm phán WTO về quy tắc, Roberto Zapata Barradas, cho biết “phải tiếp cận các cuộc đàm phán này theo hướng duy trì nguồn lợi thủy sản thế giới là ưu tiên hàng đầu”. Quá trình giải quyết các câu hỏi gây tranh cãi về trợ cấp thủy sản có tính đến lợi ích của người nuôi cá và cộng đồng đánh bắt cá truyền thống.
Các cuộc đàm phán trung tâm trong năm nay sẽ là một thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế các khoản trợ cấp đánh bắt có hại. Đây là các khoản thanh toán của chính phủ hoặc giảm thuế đã gây ra tình trạng đánh bắt quá mức và đánh bắt cá bất hợp pháp trên toàn cầu. 164 thành viên của WTO sẽ hướng tới một thỏa thuận ràng buộc để loại bỏ các khoản trợ cấp này, một vấn đề đã được thảo luận trong hơn hai thập kỷ qua. Do đó, một cam kết mạnh mẽ, đổi mới sẽ giúp đạt được một thỏa thuận khẩn cấp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ricardo Menendez-Ortizo, giám đốc điều hành của Trung tâm thương mại và phát triển bền vững quốc tế (ICTSD), có trụ sở tại Geneva cho biết “thật khó tin khi một số công ty thủy sản vẫn tham gia đánh bắt cá quá mức và bất hợp pháp trong khi được hưởng trợ cấp từ chính phủ của họ”. Các nhà đàm phán có nhiệm vụ đưa ra các cam kết ràng buộc sẽ đứng trước thử thách của thời gian. Các cuộc đàm phán phải được tiến hành giữa các quốc gia với sự thiện chí, minh bạch, toàn diện và không có sự ngờ vực chính trị thì các kết quả mới “có thể thực thi được”.
Theo Ủy ban Thủy sản của Nghị viện Châu Âu, trợ cấp được trả cho ngành thủy sản lên tới khoảng 35 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. Trong số này, 20 tỷ USD được đưa ra dưới hình thức nâng cao năng lực của các đội tàu đánh cá lớn, như trợ cấp nhiên liệu và các chương trình miễn thuế. Còn theo báo cáo tình hình thủy sản thế giới (SOFIA) năm 2016, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc công bố có khoảng 60% trữ lượng cá thế giới được đánh giá là khai thác đủ mức và 30% đã bị khai thác quá mức. Việc hạn chế các khoản trợ cấp làm cơ sở cho việc mở rộng đội tàu có thể giải quyết vấn đề này. Ernesto Fernandez-Monge, chuyên gia thủy sản tại Pew Charitable Trust, cho rằng cần có những cải cách khẩn cấp về luật trợ cấp quản lý nghề cá. Nghiên cứu cho thấy các khoản trợ cấp có hại cho sức khỏe của các đàn cá thế giới nhưng cũng cần tính đến khả năng bảo vệ việc làm cho những người phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá.
Nhiều chính phủ ở các nước đang phát triển thiếu khả năng thực thi luật pháp để ngăn chặn các hoạt động đánh bắt có hại trong vùng biển của họ, theo Peter Wekesa, chuyên gia thủy sản tại Ban thư ký Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (ACP) đặt tại Bỉ. Do đó, nhiều cộng đồng sống ven biển ở các nước đang phát triển tiếp tục hứng chịu các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Các quốc gia này thường có các ngành đánh bắt cá chưa phát triển sẽ được hưởng lợi từ việc bảo vệ các quy tắc đạt được từ đàm phán của WTO.
Năm 2019 là dấu mốc quan trọng cho tương lai của ngành thủy sản thế giới, vì vậy, “một thỏa thuận về thủy sản phải được bảo đảm”. Ernesto Fernandez-Monge, giáo sư luật tại Đại học Georgetown, cho biết, các cuộc đàm phán của WTO phải tập hợp các chuyên gia và các nhà đàm phán để nâng cao tính chuyên sâu và thảo luận về vấn đề trợ cấp để cứu trữ lượng cá trên toàn thế giới. Cam kết về cải cách trợ cấp thủy sản được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2011 tại Hội nghị Bộ trưởng WTO về Thủy sản tại Doha. Mục đích của các cuộc đàm phán trong tháng 01 năm 2019 sẽ là để làm rõ và cải thiện các quy tắc hiện hành về trợ cấp thủy sản, được đặt ra trước đó tại Hội nghị Bộ trưởng ở Hồng Kông năm 2005, bao gồm cả lời kêu gọi cấm các khoản trợ cấp góp phần gây ra tình trạng quá tải và đánh bắt quá mức. Năm 2017, Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Buenos Aires, Argentina đã đồng ý về một chương trình để kết thúc cuộc đàm phán về trợ cấp thủy sản vào năm 2019.