Thỏa thuận gồm 8 phần này đóng vai trò như một lệnh ngừng chiến trong cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm đã làm rối loạn thị trường trên toàn thế giới và cắt giảm sự tăng trưởng toàn cầu. Nhưng thỏa thuận vẫn để lại thuế quan của Mỹ đối với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tương đương khoảng 3/4 hàng nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Việc cắt giảm thuế có thể sẽ được để lại cho các cuộc đàm phán sau này, trong đó sẽ giải quyết một loạt các vấn đề khó khăn trong trung tâm của cuộc chiến thương mại, bao gồm cả trợ cấp của Trung Quốc cho các công ty trong nước và giám sát các công ty nhà nước Trung Quốc. Những cuộc đàm phán này được dự kiến sẽ bắt đầu trong thời gian ngắn và không kết thúc cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Phát biểu trước đông đảo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng ngày 15/01, Tổng thống Donald Trump cho biết, các mức thuế còn lại sẽ giảm đi nếu các cuộc đàm phán tạo ra một thỏa thuận thứ hai. Ông gọi thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng, một điều chưa từng được thực hiện trước đây với Trung Quốc, hướng tới một tương lai của thương mại công bằng và có đi có lại.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đã đại diện cho Bắc Kinh ký thỏa thuận với Mỹ, nhấn mạnh, sự cần thiết của cả hai nước phải cùng nhau giải quyết các thách thức như khủng bố, dân số già và bảo vệ môi trường. Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi hai nước cho biết họ sắp đạt được thỏa thuận và Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã đóng cửa trên 29.000 lần đầu tiên vào ngày 15/01. Nhưng phản ứng của thị trường đối với việc ký kết thỏa thuận trên thực tế đã trở nên im lìm, cho thấy các nhà đầu tư ít ngạc nhiên với những cam kết trong văn bản của thỏa thuận.
Nhà Trắng coi thỏa thuận thương mại này là một chiến thắng về mặt chính trị cho cuộc bầu cử tháng 11. Tổng thống Mỹ “hoan hỉ” với thỏa thuận và cho rằng ông là người duy nhất có thể thành công trong việc gây sức ép với Bắc Kinh để có thêm nhượng bộ. Tổng thống Trump đã nhìn thấy một cơ hội để thúc đẩy định vị của Mỹ tại thời điểm Trung Quốc đang chứng kiến sự hỗn loạn lớn về chính trị và kinh tế. Thỏa thuận này được cấu trúc như một hiệp định giữa các bên, nhưng Bắc Kinh đang thực hiện gần như tất cả các thay đổi trong chính sách và mua hàng. Thỏa thuận tập trung chủ yếu vào các khiếu nại của Mỹ rằng chính phủ và các công ty Trung Quốc ép buộc Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối thủ tại Trung Quốc và Tổng thống Trump tập trung vào việc cố gắng để giảm thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Bắc Kinh cam kết đảm bảo không có áp lực nào được áp dụng trong chuyển giao công nghệ. Hai trang văn kiện trong thỏa thuận về vấn đề chuyển giao công nghệ vượt xa các thỏa thuận khác mà Trung Quốc đã ký kết về vấn đề đó. Cả hai bên đều không yêu cầu hoặc gây áp lực cho bên kia về chuyển giao công nghệ để kinh doanh hoặc để có được sự chấp thuận theo quy định. Thỏa thuận này cũng cấm áp lực “chính thức hoặc không chính thức” đối với các công ty sử dụng một công nghệ nhất định để có được giấy phép.
Tuy nhiên, phần này không yêu cầu Trung Quốc thay đổi bất kỳ luật hoặc quy định nào để thực hiện nghĩa vụ của mình. Một dự thảo thỏa thuận đã sụp đổ vào tháng 5 năm ngoái đòi hỏi hàng chục thay đổi trong luật pháp Trung Quốc. Các quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh đã thúc đẩy thỏa thuận đó, và các nhà đàm phán Mỹ đã tìm cách giữ lại càng nhiều thỏa thuận dự kiến càng tốt. Thỏa thuận này được viết bằng ngôn ngữ pháp lý và thuật ngữ thương mại sẽ được các chuyên gia thương mại và luật sư rà soát.
Như một điều kiện để Bắc Kinh ký thỏa thuận, Mỹ đã đồng ý cắt giảm thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuống còn 7,5%, trong vòng khoảng 30 ngày và từ bỏ các mức thuế theo kế hoạch khác. Trong phần sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đã đồng ý tăng cường bảo vệ bí mật thương mại và đánh giá các hình phạt hình sự đối với hành vi chiếm đoạt bí mật thương mại cố ý. Một số hình phạt gia tăng là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump. Nhưng phần lớn ngôn ngữ về sở hữu trí tuệ đã làm sáng tỏ các quy tắc cụ thể trong các lĩnh vực mới. Thỏa thuận cũng yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấp nhận các ứng dụng từ thẻ ngân hàng và hệ thống thanh toán đang tìm cách tiếp cận thị trường Trung Quốc, và văn bản thỏa thuận trích dẫn Mastercard, Visa và American Express. Mỹ trước đây đã đấu tranh với các vụ kiện tại Tổ chức Thương mại thế giới để giành quyền truy cập cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán của Mỹ, nhưng Trung Quốc đã không tuân theo việc cho phép các công ty truy cập trong mọi trường hợp. Mỹ cũng cam kết sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho hệ thống China Union UnionPay.
Các quy định của thỏa thuận phải tuân theo một cơ chế thực thi đòi hỏi nhiều vòng tham vấn. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, bên khiếu nại có thể áp dụng biện pháp phòng vệ theo cách tương xứng như áp đặt lại thuế quan. Trong thực tế, Mỹ có thể sẽ là bên đưa ra khiếu nại vì chính Trung Quốc đang cam kết thực hiện các thay đổi và tăng mua hàng. Chừng nào việc áp thuế đã có thiện chí, Bắc Kinh đã đồng ý không trả đũa. Thay vì trả đũa bằng thuế quan, thỏa thuận này nói rằng bên có hành động dẫn đến khiếu nại có thể rút khỏi thỏa thuận, mặc dù sau đó Trung Quốc sẽ tự do trả đũa.
Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ rất miễn cưỡng thực hiện các bước như vậy, điều này sẽ phá vỡ thỏa thuận. Nhưng không rõ liệu các công ty Mỹ, cảnh giác với trả đũa của Trung Quốc, sẽ đề cập đến các tranh chấp đối với cơ chế thực thi. Hầu hết các thỏa thuận thương mại sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp. Phần lớn nhất của thỏa thuận bao gồm việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ. Bắc Kinh cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa cho hai năm 2020 và 2021, với thỏa thuận kêu gọi 77 tỷ USD thương mại bổ sung trong năm đầu tiên và 123 tỷ USD trong năm thứ hai.
Trong hai năm, các mục tiêu kêu gọi Trung Quốc tăng cường mua hàng trên mức đã thấy trong năm 2017, bằng khoảng 78 tỷ USD sản xuất, bằng thêm 32 tỷ USD nông nghiệp, bằng 52 tỷ USD năng lượng và 38 tỷ USD dịch vụ. Thỏa thuận này nói rằng các mục tiêu đã được thống nhất cho các loại mặt hàng hẹp hơn, nhưng các mục tiêu này không được tiết lộ để tránh làm méo mó thị trường. Năm 2017, Mỹ đã xuất khẩu 186 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ. Để hoàn thành các mục tiêu trong thỏa thuận, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ cần phải tăng lên mức 263 tỷ USD vào năm 2020 và 309 tỷ USD vào năm 2021, một sự gia tăng chưa có tiền lệ trong lịch sử thương mại của Mỹ. Dự kiến tăng nhanh chóng trong xuất khẩu khiến một số người thụ hưởng tiềm năng hoài nghi. Chẳng hạn, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết các giao dịch mua hàng sẽ không làm tăng chi phí của các quốc gia khác. Điều đó có thể khiến Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu mua hàng hơn.
Thỏa thuận này cũng có một số điều khoản mà Trung Quốc có thể sử dụng để tuyên bố rằng Mỹ có lỗi nếu họ không đáp ứng các mục tiêu mua hàng. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể yêu cầu tham vấn nếu các giao dịch mua hàng của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi hành động hoặc không hành động của Mỹ. Điều đó có thể phát huy tác dụng nếu quy tắc xuất khẩu của Mỹ giới hạn các sản phẩm công nghệ mà Mỹ cho phép Trung Quốc mua. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, điều khoản này chỉ cho phép các cuộc thảo luận và sẽ không là cơ sở để Trung Quốc tuyên bố họ không thể thực hiện các cam kết của mình.