Theo ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết “Đây là năm thứ 2 huyện Mỹ Đức tổ chức lễ hội sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng “Quần thể di tích danh thắng Hương Sơn- Chùa Hương” là di tích quốc gia đặc biệt. Với lượng khách du lịch đến chùa Hương rất đông trên 1,5 triệu khách trong năm 2019, do vậy công tác đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ ở khu danh thắng Hương Sơn luôn được các cấp chính quyền huyện Mỹ Đức đặc biệt quan tâm”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh phát biểu tại lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch |
“Việc tổ chức nâng cao kỹ năng giao tiếp, kiến thức về du lịch, ý thức về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn hóa giao thông đường thủy nội địa…cho các hộ gia định kinh doanh dịch vụ, chèo đò, bán hàng tại khu danh thắng Hương Sơn là một trong những nội dung quan trọng được chính quyền địa phương và Sở Du lịch Hà Nội triển khai hàng năm trước khi vào mùa lễ hội nhằm nâng cao chất lượng điểm đến”, Ông Hoan chia sẻ
Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chánh văn phòng Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tại nhiều địa phương. Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch cộng đồng không ai khác chính là bà con nhân dân tại địa phương, và với xã Hương Sơn bà con làm du lịch là mắt xích quan trọng trong guồng quay của con tàu du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.
“Sở Du lịch và huyện Mỹ Đức luôn đồng hành cùng bà con, giúp bà con từng bước nâng cao nhận thức về lợi ích do du lịch đem lại; hỗ trợ bà con về kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch để chúng ta phục vụ khách du lịch tốt hơn; vừa tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình; vừa góp phần phát triển du lịch huyện Mỹ Đức ngày một chất lượng hơn”, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh nhấn mạnh.
Với quần thể văn hóa - tôn giáo, gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, nhiều ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng... Chùa Hương có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.
Du khách Nhật Bản tham quan danh thắng Chùa Hương và phóng sinh tại động Hương Tích |
Đánh giá hiệu quả về Lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư, ông Vũ Văn Vạn- hộ gia đình chèo đò tham gia lớp bồi dưỡng chia sẻ-hàng năm khi địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch, an toàn giao thông đường thủy nội địa tôi đều tham gia. Thông qua lớp tập huấn đã giúp chúng tôi cùng người dân địa phương hiểu hơn về lợi ích du lịch đem lại, tự tin trong giao tiếp, tạo môi trường thân thiện, chuyên nghiệp phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách khi đến thăm quan, trải nghiệm. Đồng thời, có trách nhiệm trong việc giữ gìn về sinh môi trường, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần nâng cao hình ảnh của di tích Danh thắng Chùa Hương và phát triển chung của ngành du lịch Thủ đô.
Tại lớp bồi dưỡng, PGS. TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chia sẻ tới gần 300 học viên những kinh nghiệm thực tế, đồng thời trao đổi thẳng thắn với những người làm du lịch tại xã Hương Sơn cách thức làm sao để sản phẩm du lịch của mình thu hút và hấp dẫn; phong cách, thái độ giao tiếp, nhu cầu và tâm lý của du khách khi đến các điểm du lịch; cũng như ý thức của cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ môi trường cảnh quan, xanh, sạch, đẹp nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách…
Còn chị Ngô Thị Lệ - kinh doanh chèo đò cũng chia sẻ: “Nhờ được tham gia các lớp đào tạo về kiến thức du lịch cộng đồng mà tôi hình dung rõ hơn vai trò của mình trong việc thu hút khách du lịch đến địa phương. Tôi hiểu rằng, từ thái độ đến kiến thức đều phải thực sự chuẩn mực, chuyên nghiệp thì mới để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách du lịch”.
Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, đến 2020, ngành Du lịch Hà Nội sẽ có khoảng 126.700 lao động trực tiếp, chiếm 13,5% lực lượng lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam. Để có thể đào tạo, bồi dưỡng số lượng lao động lớn như vậy, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, nâng cao… kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn thành phố.
Năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức gần 40 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức cho hơn 5.000 học viên là nhân lực trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về du lịch các cấp và cho các nghệ nhân, người bán hàng, kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.