Bây giờ đã ngoại thất tuần, lại luôn kiêng dè những món ăn ngọt vì e ngại tiểu đường, vậy mà mỗi khi cái giá lạnh của những ngày cuối đông tràn đến, cùng làn gió bấc buốt da, cắt thịt, nghe người đi ngoài ngõ bâng quơ láo kháo “còn chưa đầy tuần nữa là hết Chạp, vào Tết rồi đây” là y như gợi trong tôi nghĩ về mứt lạc, bánh quy gai...
Những tảng mứt! Đúng là tảng chứ không phải viên mứt lạc chim chim như trứng chim bồ câu bé xíu, bọc ôm hạt lạc trắng phếch nằm trong hộp mứt thập cẩm tiêu chuẩn ngày Tết của mậu dịch. Những cục đường xù xì kết lại nom như hòn non bộ xinh xinh mẹ tôi để trong hộp sắt ghi gô, hay trong lọ thủy tinh đậy nắp kín cho khỏi hả, khỏi ỉu, vừa đổ ra nằm lổng chổng trên đĩa sứ.
Rồi đến lúc được nhai rau ráu, giòn tan tảng mứt lạc, khoang miệng và lưỡi lan tỏa chất ngọt của đường, cùng vị bùi thơm của lạc mới thấy thú vị như khi mẹ tôi bắt đầu gióng “còn ba ngày nữa là vào Tết rồi, chiều nay phải chuẩn bị xào mứt lạc thôi, chứ mai kia bận bịu bánh chưng thì lại cập rập”. Thế là buổi chiều hôm đó, hai chị em tôi bắt đầu mong hóng. Làm gì thì làm cũng dõi xem mẹ mở hũ nút lá chuối khô đổ lạc ra sàng chọn kỹ, để loại những hạt lép, hạt mọt. Rồi mẹ sai chị em tôi ra sông múc bơ cát về.
Tiếng đảo đũa trong chảo rang rào rạo, rộn ràng. Mùi lạc bắt đầu chín tỏa ra ấm cả chiều đông. Rang xong, mẹ trút ra sàng sảy cho sạch cát, rồi ủ lạc vào manh tải rách, quấn chặt, kèm theo câu nói “tối nay hai chị em xoe lạc với mẹ nhé”.
Có lẽ không gì ấm cúng và nồng nàn hơn cảnh ba mẹ con ngồi xoe vỏ lạc trong buổi tối mùa đông giáp Tết, dưới ánh đèn dầu lom dom. Ngoài kia, tiếng gió bấc quật quã tầu lá chuối đính vào thân cây nặng nề vì buồng chuối sắp bị chặt, cùng mái nhà lá giãy nảy vì lạnh. Chốc chốc, chị tôi lại kêu lên: “Mẹ kìa, thằng cu không chịu xoe vỏ mà chỉ ăn lạc thôi. Ăn nhiều thế thì còn đâu mứt đón khách đến chơi Tết”. Bao giờ sau câu nói của chị, mẹ tôi cũng mỉm cười khẽ nói: “Em nó ăn ít cũng không sao, vì mẹ đã rang dôi ra rồi. Còn cu, tối rồi, ăn ít lạc thôi, không đầy bụng”.
Sau khi lạc đã xoe vỏ chỉ còn trơ lại màu trắng tinh, mẹ tôi bắt tay vào công đoạn xào mứt. Chiếc chảo gang cong được bắc lên, mẹ đổ đường kính vào. Tết nào không có đường kính, thay bằng đường hoa mai, màu vàng xuộm. Mẹ bảo, “mứt lạc bọc đường hoa mai đậm hơn nhưng không thanh bằng mứt đường kính”. Dạo nhỏ, tôi không hiểu câu nói của mẹ, vì với tôi, mứt xào đường gì cũng ngon. Tôi hau háu bên bếp, hít hà mùi đường bắt đầu tỏa ra thơm ngào ngạt.
Có lần, khi thấy đường bốc mùi ngọt lự, tôi giục mẹ đổ lạc vào. Mẹ mỉm cười bảo, “cứ từ từ, cho lạc vào phải đúng cữ đường chảy thì mứt mới kết dính được”. Lần nào cũng vậy, mẻ mứt đầu vừa bắc ra mẹ cũng gắp cho tôi một tảng, “nếm đi, nhưng đợi nguội không bỏng mồm”. Sau này, mỗi khi nhắc lại chuyện, dì tôi còn bảo “mẹ con là người xào mứt lạc giỏi nhất làng ta. Mứt bà xào mười mẻ thì cả mười đường bám lạc”…
Khi lập gia đình, vợ chồng tôi bận bịu công việc, vả lại gặp lúc khó thời bao cấp nên mứt lạc dành cho hai con chỉ trông vào gói mứt mua theo bìa hộ gia đình, nên tịnh chưa bao giờ vợ con tôi có được những phút giây xào mứt lạc. Mặc dù tôi biết vợ mình cũng nắm được bí quyết làm món mứt xào, hay cách làm bánh khúc, bánh gai, bánh sắn… do mẹ vợ tôi cũng nổi tiếng trong làng vì đức đảm khi làm dâu cả nhà trưởng họ, đông con, một năm có đến sáu cái giỗ đại.
Là gã nhà văn hay suy tưởng, tôi chạnh buồn khi nghĩ đến hai đứa con trai. Chúng thiệt thòi vì trong đời không có ký ức ngọt ngào của mẹ khi xào mứt lạc. Nhưng bù lại, hai con tôi lại có ký ức tuổi thơ khi chứng kiến cảnh bố mẹ chạy đôn đáo để làm bánh quy gai xốp thủa bao cấp mỗi khi Tết sắp về.
Bây giờ nghĩ lại, tôi tin các bạn thuộc thế hệ trẻ giờ cũng không biết được nồi cơm gia đình khi chín, mở nắp vung thấy mùi bột mì nồng sực tỏa ra. Đứa trẻ đang đói hau háu chờ bỗng thở dài khi thấy những tảng cơm cục. Cơm cục thời đó là những hạt cơm lưa thưa bám vào cục mì nặng chịch, rắn chắc.
Dạo đó, nhà cán bộ, viên chức ăn gạo theo tiêu chuẩn nhà nước cấp. Tháng nào cũng vậy, gạo chiếm nhiều thì độ một phần ba, còn lại là chất độn. Ngoài ngô, bo bo, khoai… phổ biến nhất là bột mì. Tháng nào lý tưởng, mậu dịch cho độn mì sợi. Bột mì mua về, các bà nội trợ trổ tài chế biến cho chồng con ăn đỡ chán. Nhưng dù tài đến đâu, bột mì cũng chỉ thành cháo mì, mì rán, cuối tháng hết mỡ thì lót lá chuối cho khỏi cháy… còn bữa ăn thường là nặn bột thành cục nấu cùng với cơm. Người lớn dù ớn đến đâu cũng im lặng cố nuốt, còn trẻ con thì phụng phịu, lắc đầu. Con trai cả của tôi năm nay ngót năm chục tuổi, thỉnh thoảng còn kể cho hai con nó ấn tượng một thời “cứ đến bữa ăn, bố với chú Hải lại mặc cả với bà con không ăn cơm cục đâu”…
Bột mì thường ngày trẻ con, người lớn ớn là thế mà đến Tết đột nhiên lên ngôi. Trong thùng nhà nào ngày giáp Tết mà không có đôi ba cân mì thì thật đáng lo. Bởi không có bột mì lúc đó, mấy ngày Tết trong nhà sẽ chỉ có hộp mứt thập cẩm tiêu chuẩn bé xíu, người khỏe ăn rốn một lần cũng hết; không có món bánh gai quy xốp để tiếp khách và trẻ con trong nhà ra một miếng, vào một miếng, nhất là chúng không có gì để khoe với trẻ hàng xóm “nhà tao cũng có quy gai xốp nhé. Miếng bánh mẹ tao đặt làm to hơn bánh nhà mày nhiều”.
Đôi cân bột mì, đường làm bánh trông vào tiêu chuẩn đường cả năm ăn dè ăn xẻn tích lại, cùng vài ba quả trứng (vợ tôi bảo, càng nhiều trứng, quy gai càng trắng, càng nở xốp) mang đến các cơ sở gia công quy gai nhan nhản trên phố.
Từ khi thấy bố hay mẹ mang bột mì, trứng, đường đi ra phố là trẻ bắt đầu háo hức, phấp phỏng chờ đợi. Thời bao cấp ấy, có dễ phải hơn chục lần khi giáp Tết đến, tôi thấy sự mong ngóng của hai đứa con chờ tiếng xe đạp long gác đờ bu của mẹ về đầu tầng. Hai đứa ùa ra, tay vỗ đôm đốp, miệng ríu rít “mẹ đã mang quy gai xốp về rồi bố ơi”!
Còn nhớ đó là năm thứ ba vợ chồng tôi được phân nửa căn hộ trên tầng tư nhà tập thể C6B Quỳnh Mai. Con đường độc đạo lên phố dạo đó là đường Kim Ngưu - Lò Đúc vẫn là đường cấp phối hơi nhiều cát. Buổi giáp Tết, tôi được vợ phân công mang nguyên liệu đi gia công quy gai xốp. Bất ngờ khi đi đến ngã tư, một chiếc xe ba bánh phóng nhanh để trốn đội quản lý thị trường vì chở món hàng trái phép nào đó đã quệt vào ghi đông xe đạp của tôi, khiến giỏ xe lật nghiêng, hai cân bột mì đổ hết xuống cát. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo chiếc xe ba bánh chạy mất hút và hai cân bột mì trắng xóa trên cát bẩn. Tôi bần thần, tưởng tượng ra vẻ mặt ỉu xìu, thất vọng của hai con khi thấy bố về không, cùng câu nói “bột mì làm bánh bố đánh đổ hết rồi”. Trứng vỡ hết. May còn đường, nhưng lấy đâu ra hai cân bột mì bây giờ?… Ngẫm ngợi một lúc, tôi chợt nghĩ ra, rồi quay xe vòng đến nhà bạn đồng môn cùng khóa, cùng ở khu tập thể. Rất may, gia đình ông năm nay quyết định về quê Phú Thọ ăn Tết nên bốn cân rưỡi bột mì còn nguyên. Bây giờ nghĩ lại ánh mắt của hai con khi tôi mang bọc quy gai xốp về nhà, nó rạng rỡ và cháy bỏng làm sao.
Mới hay có một thời mứt lạc và bánh quy gai xốp lại ngon đến vậy. Nghĩ lại kỷ niệm một thời tôi bật cười. Miệng cười mà ở đuôi mắt già lại lặng lẽ ứa đôi giọt nước mắt nóng bỏng.
Quỳnh Mai 21/12/2020