Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở về "chảy máu chất xám" và cho biết sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính – Fintech đã làm thay đổi bức tranh tài chính toàn cầu, thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Tại Việt Nam, startup Fintech xuất hiện từ khoảng năm 2015. Đến nay, cả nước có khoảng gần 100 doanh nghiệp Fintech hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó, chủ yếu là trung gian thanh toán.
Theo nghiên cứu của Solidiance, tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD (dựa trên giá trị giao dịch) và dự kiến có thể đạt ngưỡng 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của Fintech tại Việt Nam, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) của NHNN vào tháng 3/2017 với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, hài hòa của hệ thống ngân hàng, cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tập trung nghiên cứu một số vấn đề trọng tâm như công nghệ chuỗi khối (blockchain), cho vay ngang hàng (P2P Lending), định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API), thanh toán điện tử (e-payments),…
Đã có 26 tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trong thời gian thanh toán. Có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, khoảng 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.
Ngoài sự vào cuộc của ngân hàng nhà nước và sự tiên phong của các ngân hàng thương mại trong việc bắt tay với Fintech, thì startup Fintech – một bộ phận không tách rời của startup Việt cũng là đối tượng được thụ hưởng các ưu đãi, chính sách từ đề án 844 trong vấn đề thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, vay vốn phát triển….
Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhanh chóng "bắt tay" với Fintech |
Dù vậy, phải thừa nhận, khung thể chế, hành lang pháp lý của Fintech tại Việt Nam còn chưa rõ ràng. Đa phần các startup Fintech khi được hỏi đều trả lời rằng trở ngại lớn nhất của họ khi hoạt động tại Việt Nam là vấn đề pháp lý. Thể chế quản lý hoạt động Fintech hiện chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý cụ thể nào, cũng chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động fintech. Trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp Fintech Việt Nam không đặt tại Việt Nam mà chọn đặt trụ sở tại Singapore.
Tại lễ khai mạc Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 – Techfest mới diễn ra tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ trăn trở: “Chính phủ cũng nên tự hỏi mình tại sao có nhiều người Việt Nam phải ra nước ngoài khởi nghiệp, đặc biệt là Singapore.”... Đồng thời, cam kết với các startup ngoài đề án 844 và đề án 1665 đã được triển khai, Chính phủ sẽ sớm xây dựng một Chương trình khung quốc gia về khởi nghiệp và sáng tạo – tầm nhìn 2045 với chính sách cụ thể hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối cao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp và đề nghị các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.
Thủ tướng cũng đề xuất hình thành một Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất (trước mắt đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng) và xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Chính phủ cam kết sẽ đồng hỗ trợ tài chính và các nguồn lực cần thiết bằng triết lý quản trị của tư nhân, của khối óc của những nhà khởi nghiệp sáng tạo.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực Fintech là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để đảm bảo cơ chế, chính sách sẽ trở thành đòn bẩy để Fintech phát triển, để người dân được thụ hưởng các thành tựu của CMCN 4.0, đưa thị trường tài chính Việt Nam bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới.