Tạo nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng.
Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy, khát vọng vươn lên của khối doanh nghiệp tư nhân. Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn |
Thủ tướng cũng gợi mở một số điều để phát huy lợi thế của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn biển lớn, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng.
Thủ tướng cũng đặt ra câu hỏi “Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?” “Chính những doanh nghiệp, doanh nhân tại hội trường này là người đi tiên phong. Những đề xuất của họ trong chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn” – Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cho rằng, tinh thần doanh nghiệp với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tạo nền cho những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu.
Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn. Thủ tướng dùng 10 “từ khóa” cho khu vực này, đó là: “bình đẳng" trong phát triển, "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội" cho kinh tế tư nhân.
Về bình đẳng, kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn vốn.
Được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, đặc biệt là giảm chồng chéo tầng lớp trong thanh tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển.
Khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh.
Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm… làm ra môi trường minh bạch thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, chống độc quyền doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.
Sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn
Thời gian qua, nước ta đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công, nhưng chưa mạnh mẽ lắm. Thủ tướng khẳng định, trong những năm tới sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.
“Để nền kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh, có cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công, thì Chính phủ phải tạo nên thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhân lực, cần chú trọng số lượng chất lượng nhân lực đáp ứng nhu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như truyền thông đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo… Bên cạnh đó là chính sách tốt hơn nữa để giữ chân các nhà đầu tư.
Về hạ tầng, chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh như Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt…
Thứ 3 là tạo lập thị trường, cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ tại Diễn đàn |
Kỳ vọng đối với kinh tế tư nhân
Sau 2 câu trả lời của Thủ tướng trong phiên đối thoại, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cũng chia sẻ về kỳ vọng đối với Diễn đàn kinh tế tư nhân và sự tác động của sự kiện trong phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 10.
Là đơn vị soạn thảo Nghị quyết 10, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. “Đây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động nguồn lực xã hội. Nghị quyết này là kết tinh tinh hoa, đúc kết kinh nghiệm từ trước và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của thế giới” - ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề cập nhiều nội dung cốt lõi. Đầu tiên, đó là thống nhất trong nhận thức thì mới có hành động thống nhất. Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh, quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Bình nêu rõ, chỉ khi hiểu thấu đáo, xuyên xuốt mới có bản lĩnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân; khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Có nhận thức thì mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân những gắn chặt với lợi ích đất nước.
Trên cơ sở đó phải giải quyết đúng đắn quy luật giữa Nhà nước và thị trường. Ông Bình dẫn chứng, trong lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội, tại nhiều nước, có khi tuyệt đối vai trò kinh tế nhà nước, nên có nhiều tiêu cực và dẫn đến thất bại. Đôi khi cũng có tại nhiều nước tư bản cũng tuyệt đối vai trò của kinh tế tư nhân dẫn đến khủng hoảng nhiều năm, và họ phải thừa nhận vai trò Nhà nước trên quan điểm vỗ tay bằng 2 bàn tay: Nhà nước và thị trường. Nhà nước có vai trò điều tiết. Thị trường và đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Vấn đề tiếp theo được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề cập là xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, có sức cạnh tranh. Để làm được điều đó, Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế vĩ mô, cải thiện chính sách, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững.