Trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thực hiện biện pháp chủ động phòng chống dịch Covid-19, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng |
Tính đến thời điểm ngày Mùng 2 Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, hàng hóa trên thị trường dồi dào về nguồn cung, đa dạng phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng sản xuất trong nước đã chiếm được thị phần trên thị trường. Các cửa hàng, siêu thị thuộc chi nhánh trực thuộc và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn cả nước đã chủ động dự trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Lực lượng QLTT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của cơ quan cấp trên, duy trì công tác kiểm tra kiểm soát để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, nhất là các loại pháo, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực và gây nguy hiểm; thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh, doanh nghiệp không bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; chú trọng kiểm tra đối với hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng hàng hóa; về ghi nhãn hàng hóa; hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, nhập lậu không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo nhanh của lực lượng QLTT, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Tại Hà Nội, người dân thủ đô đã hạn chế hầu hết các hoạt động vui chơi ngày tết, các điểm lễ hội, danh lam thắng cảnh, đình chùa, các điểm vui chơi không sôi động bằng các năm trước, các cơ sở kinh doanh hầu như đóng cửa.
Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến mới. Việc kinh doanh trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh. 100% hệ thống phân phối và siêu thị trên địa bàn đã báo cáo về việc triển khai công tác phòng, chống dịch; bố trí nhân viên ở các cửa ra vào để đo thân nhiệt, kiểm soát 100% khách ra vào phải đeo khẩu trang… Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh vẫn còn trường hợp không đeo khẩu trang, hoặc đeo không đúng cách; không có cảnh báo khuyến cáo người dân quy định phòng dịch. Ngành Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức các điểm bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh tổ chức mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa trên thị trường. Trong đó, Cục QLTT thành phố Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt kiểm tra cao điểm dịp Tết, tập trung vào việc phòng, chống buôn bán hàng cấm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thuốc lá, quần áo.
Cục QLTT thành phố Hà Nội chỉ đạo các Phòng, Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố trong tình hình diễn biến mới của dịch bệnh. Trọng tâm là các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Chú trọng để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; bán hàng hóa không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình mua sắm trên địa bàn thành phố không sôi động như các năm trước, người dân hiện nay hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người và chuyển sang hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi như Coop Mart, Bách hóa xanh,… Tại Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế Quận 10, các điểm kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Giản Thanh, Tam Đảo, các nhà thuốc trên địa bàn quận 10 vẫn mở cửa bán các mặt hàng thuốc, khẩu trang y tế, trang thiết bị, vật tư y tế,... nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn ổn định, không có biến động, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm găm hàng, bán nâng giá.
Tại Quảng Ninh, tính đến 15h00 ngày 12/02/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 59 ca dương tính với Covid-19 biến thể mới. Tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản không biến động, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Tình hình giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không có điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa hoạt động.
Tại Hải Dương, tính đến thời điểm 16 giờ ngày 12/02/2021 tình hình kinh doanh, dịch vụ hạn chế, các siêu thị lượng mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến. Mặt hàng thiết yếu vẫn cung ứng đủ cho thị trường, giá cả đa số không tăng so với trước thời điểm công bố dịch.
Tại Điện Biên, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.