Xu hướng săn vé, săn phòng giá tốt của hội "mê xê dịch" trên các nền tảng số đang ngày một tăng cao. Khi nhiều địa phương, địa điểm du lịch nổi tiếng rục rịch mở cửa trở lại, các loại voucher, combo du lịch cũng lập tức được "bật chế độ kích hoạt" nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉdưỡng bị dồn nén của thị trường trong vài tháng qua.
Khi việc mua bán trực tuyến đang trở thành xu hướng, việc kiểm soát, xác minh tính chính xác của các thông tin thường không dễ dàng. Qua khảo sát cho thấy, có đến hàng nghìn hội nhóm: Săn combo, voucher vé máy bay, pass vé, phòng khách sạn… Khác với các sàn giao dịch đã có thương hiệu, hình thức trao đổi sản phẩm trên MXH tuy nhanh gọn hơn nhưng cũng chứa đựng không ít những rủi ro. Rất nhiều khách hàng đã từng rơi vào tình thế "tiền mất, tật mang" do chưa tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm như hạn sử dụng hay các thông tin về chính sách, quyền lợi.
Cẩn trọng khi mua các gói du lịch giá rẻ qua mạng |
Qua một nhóm trên MXH, chị Thu Hồng (Hà Nội) đã giao dịch với một tài khoản có tên Ha Nguyên để mua combo nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Tin tưởng, chị Thu Hồng đã chuyển khoản trước 5 triệu đồng để đặt dịch vụ cho nhóm gia đình, tuy nhiên, người bán đã biến mất sau khi nhận được tiền. Đến nay, chị Hồng vẫn không có cách nào đòi lại số tiền đã chuyển.
Có thể thấy, cách thức lừa đảo là kẻ xấu cố tình tạo ra sản phẩm giả với mức giá cực kỳ hấp dẫn tới mức không thể rẻ hơn, sau đó lừa người mua một khoản tiền rồi biến mất. Do phần lớn các giao dịch chỉ qua MXH nên người mua và người bán không biết nhau, việc chuyển tiền là giao dịch dân sự nên cũng khó quy kết trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Sau khi chuyển tiền, nếu người bán chặn số, hủy kết bạn thì người mua cũng mất dấu.
Mặt khác, các chiêu trò lừa đảo cũng rất tinh vi. Kẻ xấu xây dựng hình ảnh uy tín, với thông tin công việc rõ ràng, hình ảnh check-in du lịch sang chảnh khắp nơi… Họ cũng tiếp cận khách hàng rất nhanh, chuyên nghiệp, tư vấn nhiệt tình 24/24h… khiến khách hàng tin tưởng. Ngoài ra, cũng có kiểu lừa đảo khác là khi người bán đã thu tiền của khách nhưng dịch vụ trả về lại không giống như quảng cáo. Đây có thể không phải chủ ý lừa đảo, nhưng do hạn chế về năng lực tổ chức nên người bán combo không thể đặt dịch vụ hàng không, khách sạn như đã cam kết.
Chia sẻ về điều này, đại diện Công ty Du lịch dịch vụ Việt Hà cho biết, về bản chất, đơn vị lữ hành hay cá nhân bán combo không thể "thích giảm bao nhiêu thì giảm". Tuy nhiên, sau Covid-19, rất nhiều khách sạn và hãng hàng không giảm giá để kích cầu du lịch nhưng thời điểm này, hầu hết các công ty bán combo chủ yếu để duy trì khách hàng, hiện diện thương hiệu và tạo công việc cho cán bộ, nhân viên. Vì vậy, chênh lệch về giá giữa công ty và cá nhân sẽ không quá lớn, không thể có chuyện "combo siêu rẻ" như quảng cáo trên MXH.
Do vậy, với những khách hàng ít kinh nghiệm, không có thời gian tìm hiểu, xác minh về người bán thì tốt nhất nên tìm đến các công ty lữ hành uy tín, lâu năm. Khi giao dịch với các doanh nghiệp, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được cam kết bằng văn bản và được bảo vệ trước pháp luật.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khuyến cáo, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua các gói du lịch giá rẻ, tránh bị thiệt hại, lừa đảo. |