Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. Trong đó có dự thảo mức chi mua tin phòng, chống tham nhũng tối đa là 50 triệu đồng/tin.
Không chỉ có vậy, trước đó một số địa phương cũng đã đề xuất kinh phí mua tin phòng, chống tham nhũng. Tiêu biểu như TP. HCM ban hành Quy định 1629 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố, với mức tối đa là 10 triệu đồng/tin.
Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn |
Thực chất, trong bối cảnh chống tham nhũng vô cùng khó khăn, phần lớn các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua thanh, kiểm tra, phản ánh của các cơ quan báo chí. Trong khi đó, chưa phát huy hết được quyền giám sát tối cao của người dân đối với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quản lý nhà nước, đặc biệt là tham nhũng.
Người dân chưa mạnh dạn, chủ động, đôi khi còn thờ ơ với việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện tham nhũng. Chính vì vậy, chính sách mua thông tin tham nhũng sẽ góp phần khuyến khích, động viên, thúc đẩy người dân cùng chung tay tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Trên cơ sở đó, sẽ giúp cơ quan chức năng có nhiều nguồn tin quý giá hơn để nắm bắt tình hình, điều tra, phát hiện, xử lý những vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng bảo đảm an toàn, trật tự xã hội, phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, để chính sách này đi vào thực tế một cách hiệu quả, tránh bị lợi dụng nhằm mục đích vu khống, tố cáo nặc danh... trước hết cần có quy định cụ thể để người cung cấp thông tin phải có trách nhiệm với tính trung thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp cho cơ quan chức năng, tránh cung cấp thông tin sai sự thật để phục vụ lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó, cần có hệ thống tiếp nhận thông tin hiệu quả, đa dạng để người dân dễ dàng cung cấp thông tin. Việc chi trả, hỗ trợ cho người dân cung cấp thông tin cũng phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch thúc đẩy tinh thần tự nguyện tham gia phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, cần phải có cơ chế bảo mật thông tin cho người cung cấp thông tin, đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin, tránh bị trả thù, trù dập; giúp người cung cấp thông tin nhận thấy sự an toàn, và mạnh dạn tham gia cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, việc xác định số tiền để chi trả cho người cung cấp thông tin là không hề dễ dàng. Bởi hiện chưa có quy định cụ thể về định lượng, chất lượng nguồn tin của người dân cho công tác chống tham nhũng. Do vậy, cần phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng thông tin, từ đó xác định số tiền chi trả. Chẳng hạn như thông tin tham nhũng với giá trị cao, hoặc với những người có chức vụ quyền hạn lớn thì nên được chi trả mức tiền tối đa.
Ngoài ra, số tiền mua tin nên có cơ chế "thuận mua, vừa bán". Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng tin để xác định mức tiền cần có khung cụ thể, không thể tương đối, đại khái, xác định mức tiền trả theo cảm hứng. Như vậy mới thu hút được nhiều thông tin chống tham nhũng chất lượng và có giá trị cao.
Hiện nay, việc người dân chủ động cung cấp thông tin về tham nhũng không nhiều, một mặt là sợ trả thù, hai là còn thờ ơ. Hy vọng, áp dụng chính sách mua thông tin tham nhũng, công khai, minh bạch, chi trả, hỗ trợ người cung cấp thông tin một cách xứng đáng; cộng với quy định chặt chẽ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn cho người cung cấp thông tin sẽ góp phần thúc đẩy người dân chung tay vào công cuộc phòng, chống tham nhũng một cách mạnh mẽ hơn.
Để dự thảo này đạt hiệu quả tối ưu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin, tạo niềm tin cho người dân, khơi dậy tinh thần đấu tranh chống tham nhũng trong xã hội...