Người mua sắm online quan tâm nhiều hơn đến hàng chính hãng Người Việt chọn mua online thay mua sắm truyền thống Người Việt đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về mua sắm online |
Mua sắm cả khi không cần thiết
Tài khoản khách hàng kim cương của một sàn thương mại điện tử |
Mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là khi thời đại công nghệ lên ngôi, lần lượt các sàn thương mại điện tử ra đời với nhiều hình thức khuyến mại. Giờ đây, người tiêu dùng chỉ cần ngồi một chỗ cùng vài cú click chuột, những món hàng sẽ được giao đến tận nơi mà không mất thời gian, công sức đi khắp nơi chọn lựa. Cũng vì vậy, nhu cầu mua sắm của người dân lại càng được tăng lên, đặc biệt là với các bạn trẻ, những người thường xuyên tiếp xúc với mạng Internet.
Nếu ngày trước, người tiêu dùng chỉ mua sắm khi cảm thấy cần thiết thì ngày nay, các bạn trẻ mua sắm bất cứ lúc nào, ở trạng thái nào. Là thành viên hạng kim cương (hạng khách hàng VIP với lượt mua khủng - PV) của một sàn thương mại điện tử, bạn Trần Kim Chi (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình mua đồ không chỉ khi cảm thấy thiếu thứ gì đó. Lúc vui mình cũng lên xem có gì hay để mua không, hoặc lúc rảnh quá không có việc gì làm mình cũng lên xem, thấy gì hay, giá rẻ thì lại chốt đơn. Cứ như vậy, tích tiểu thành đại, mình trở thành thành viên kim cương từ lúc nào cũng không hay”.
Còn với bạn Nguyễn Thị Thùy (21 tuổi, Bắc Ninh), mua sắm online là cách để Thùy xả stress mỗi khi thấy buồn: “Mỗi lúc buồn không biết làm gì, mình thường lướt Shopee để xem có món hàng gì hay không. Khi chốt được đơn gì đó mình cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều. Đến lúc nhận được hàng, khui hàng cũng làm mình thấy vui hơn vì có món đồ mới”.
Hậu quả của việc mua sắm không kiểm soát
Săn hàng giá rẻ, đặc biệt là săn hàng giá rẻ trực tuyến là sở thích của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, vì không được đến thử trực tiếp nên nhiều người đã mắc phải những tình huống "dở khóc dở cười" khi hàng trên mạng và ngoài đời quá khác nhau.
Chia sẻ về một lần mua hàng trên mạng "nhớ đời", bạn Đặng Thu Trà (19 tuổi, Nghệ An) cho biết: “Mình từng mua một chiếc áo qua mạng, chụp lên thì thấy dày dặn 2 lớp, nhưng lúc nhận thì chỉ có 1 lớp mỏng như áo xuyên thấu. Vì quá mỏng nên mình cũng không dám mặc”.
Tình huống "dở khóc dở cười" khi hàng trên mạng và ngoài đời quá khác nhau |
Cũng từng có trải nghiệm tương tự như Thu Trà, tuy nhiên Dương Công Đạt (20 tuổi, Hà Nội) may mắn hơn khi món đồ vẫn có thể sử dụng được. “Mình từng đặt 5 đôi tất trên sàn thương mại điện tử với quảng cáo là cả nam và nữ đều có thể sử dụng. Tuy nhiên lúc mua về, mình không thể sử dụng được vì tất bé quá. May mắn sao khi mình có em gái và em ấy đi vừa nên mình đã tặng lại cho em cả 5 đôi tất mới mua”, Công Đạt chia sẻ.
Ngoài việc có những trải nghiệm không tốt khi mua nhiều hàng qua thương mại điện tử, thói quen mua sắm không kiểm soát này dẫn đến việc người trẻ tốn quá nhiều chi phí vào việc mua sắm, thậm trí có những món đồ mua về không được sử dụng. Một món đồ với giá rẻ nhưng nhiều món đồ rẻ thì thành một số tiền không nhỏ.
Nhiều bạn trẻ cho biết, vì mua sắm online quá nhiều nên không tiết kiệm được bao nhiêu. Bạn Nguyễn Nhật Linh (24 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ điển hình: “Mỗi khi lương về là mình lại lên các sàn thương mại điện tử xem có gì cần mua không, nhưng định mua 1 món mà chốt đơn thì 10 món. Cứ như vậy nên thường mình cũng không tiết kiệm được tiền”.
Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, thói quen mua sắm không kiểm soát của các bạn trẻ còn là mối nguy hại đến môi trường khi hàng loạt rác thải từ những bịch nilon gói hàng được xả ra. Cùng với đó, những món đồ giá rẻ với chất lượng thấp thường khó để sử dụng lâu dài hoặc tái chế, càng không thể để người khác sử dụng lại. Từ đó, một lượng lớn rác không cần thiết bị thải ra ngoài môi trường, gây ra tình trạng ô nhiễm. Vì vậy, thói quen mua sắm vô độ cần phải hạn chế ngay, không chỉ với người trẻ mà với toàn xã hội.