Các nhà tổ chức MTA Hanoi 2019 nhận định: Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó xác định phát triển ngành cơ khí theo hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tham gia sâu hơn vào chuỗi cơ khí toàn cầu với sản phẩm chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2035 xuất khẩu sản phẩm cơ khi đạt tỷ trọng 45% sản lượng. Cùng với bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, chuyển biến tích cực của nền kinh tế thời gian qua, Việt Nam đang tiếp tục nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đổ vào, và có thể sớm trở thành một công xưởng sản xuất mới của thế giới. Sản xuất công nghiệp tăng, sẽ kéo theo nhu cầu cải tiến, hiện đại hóa máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ gia tăng.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, thu hút FDI vào Việt Nam đạt số vốn khổng lồ với 18,47 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm 13,5 tỷ USD, các tỉnh phía Bắc Việt Nam chiếm số vốn FDI cao trong các khu vực của cả nước, riêng Hà Nội đạt 4,87 tỷ USD. Ngay như “ông lớn" LG của Hàn Quốc, trong khi đã quyết định đóng cửa một số nhà máy đầu tư tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan, nhưng họ lại mở rộng đầu tư thêm nhà máy tại Việt Nam. Hiện nay, LG đang chiếm khoảng ½ tổng số các thiết bị di động sản xuất tại Việt Nam. Dự kiến Google... cũng có thể sẽ chuyển nhà máy sản xuất thiết bị di động đến Việt Nam tới đây.
Họp báo giới thiệu triển lãm MTA Hanoi 2019 |
Các nhà tổ chức MTA Hanoi 2019 cho rằng, xu hướng FDI vào Việt Nam tăng cũng làm tăng áp lực, thách thức đối với các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo của Việt Nam trong việc bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đổi mới và cải tiến máy móc, thiết bị công nghệ để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi theo ông Nguyễn Thanh Hoài - Giám đốc điều hành MKINO Việt Nam (một nhà trưng bày, giới thiệu công nghệ có tên tuổi trong các kỳ MTA trước đây) - trình độ phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam tuy đã có những chuyển biến, nhưng chưa thể đem ra so sánh với các nước có nền công nghiệp phát triển. Một trong những vấn đề thách thức đối với các nhà sản xuất cơ khí Việt Nam hiện nay trong mắt xích của chuỗi giá trị cơ khí toàn cầu chính là năng lực cạnh tranh và yếu tố công nghệ.
Từ những lý do nêu trên, các nhà tổ chức triển lãm đã quyết định đưa MTA trở lại Hà Nội để đón bắt xu thế và phục vụ nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Với qui mô trên 5.500 m2 không gian trưng bày, 158 nhà triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ trưng bày, giới thiệu các loại máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có những loại chưa từng có tại Việt Nam, bao gồm các máy móc, thiết bị phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, bên lề hội chợ cũng sẽ diễn ra chuỗi sự kiện hội nghị, hội thảo chuyên sâu đề cập đến các xu hướng phát triển thị trường cơ khí, công nghệ, những thông lệ tốt, những kinh nghiệm hay, kiến thức chuyên ngành về cơ khí chính xác cũng như những bài học thành công, thất bại… sẽ được chia sẻ, giúp cho khách thăm quan là những nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp… quan tâm có thể tham khảo phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất công nghiệp.
Có thể khẳng định, MTA Hanoi 2019 sẽ là một diễn đàn hữu ích đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, gia công kim loại, sản xuất công nghiêp khu vực phía Bắc của Việt Nam.