Thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá, Báo Công Thương tóm lược một số văn bản quy phạm của pháp luật về lĩnh vực này.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTH thuốc lá): Luật PCTH thuốc lá có 5 Chương và 35 Điều, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp các sản phẩm thuốc lá và các biện pháp đảm bảo thực hiện Luật PCTH thuốc lá. Trong Luật đã quy định chi tiết trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn dân trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá.
Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”.
Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 nhằm giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam; giảm tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020; trong nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020; trong nữ giới xuống dưới 1,4%; tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc. Chiến lược đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá; tổ chức và nhân lực; tài chính.
Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong đó tập trung vào quy định chi tiết thi hành Khoản 4 Điều 12, Khoản 7 Điều 15, Khoản 2, Khoản 4 Điều 17 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Trách nhiệm của Bộ Y tế và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này.
Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kiểm soát nhập khẩu thuốc lá; Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá.
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó quy định chi tiết (từ Điều 23 đến Điều 27) về xử phạt những vi phạm liên quan đến thuốc lá; Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong phòng chống tác hại của thuốc lá.
Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó từ Điều 22 đến Điều 33 Nghị định quy định về hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc lá. (Người có thẩm quyền xử phạt, trách nhiệm thi hàh của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 của Bộ Y tế và Bộ Công Thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 28/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực thi quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Y tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện hành lang pháp lý của Việt Nam về phòng chống tác hại của thuốc lá đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại lf thực thi như thế nào.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, dựa trên những kết quả đạt được, thời gian tới, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại của hút thuốc lá, trong đó nổi bật là hoạt động xây dựng mô hình tổ ấm gia đình không khói thuốc, từ đó góp phần xây dựng một môi trường không khói thuốc trong cộng đồng.
Để tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản pháp luật khác, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt công tác thuyết phục, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định cấm thuốc lá nơi công cộng.
Một số ý kiến khác cho rằng, bên cạnh biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức, cũng cần tăng cường các giải pháp kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về quy định chống hút thuốc lá. Có như vậy công tác phòng chống tác hại của Thuốc lá mới đạt hiệu quả cao.