Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quảng Trị đã chọn công nghiệp năng lượng là một trong những lĩnh vực đột phá của tỉnh với quyết tâm “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”.
Tác giả Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị |
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các nhà đầu tư, sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và các cấp Bộ, ngành trung ương, sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc phát triển các dự án năng lượng trên địa bàn, cụ thể: đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW đã đưa vào vận hành thương mại. Như vậy, tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 965,6MW (chưa bao gồm khoảng 100MW công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà).
Xác định tỉnh Quảng Trị là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiều dự án năng lượng vào quy hoạch phát triển điện lực để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư quan tâm tham gia đầu tư, xác định hình thành một trung tâm năng lượng của miền Trung đến năm 2030 như Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã đề ra.
Quá trình các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh, Sở Công Thương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất và tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các dự án, sớm đi vào vận hành thương mại, giúp cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả và cũng như Lãnh đạo tỉnh đã xác định, doanh nghiệp đầu tư hiệu quả thì chính là hiệu quả cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các kỹ sư, công nhân đang vận hành tại Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 của BB Group |
Để hiện thực hóa “Trung tâm năng lượng miền Trung”, Sở Công Thương cũng có những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan trung ương cũng như địa phương để làm sao sớm hình thành trung tâm năng lượng này. Trước hết là về cơ chế chính sách, trong đó, các dự án đã được Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch Điện VIII thì cũng rất mong Chính phủ và Bộ Công Thương sớm phê duyệt để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó là các quyết định về cơ chế giá của điện mặt trời cũng như điện gió đã hết hiệu lực, thì cũng cần sớm có cơ chế thay thế để các doanh nghiệp chủ động trong vấn đề tài chính cũng như đầu tư, và cần phải có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án đã đầu tư hoàn thành để sớm đưa vào vận hành, tránh rủi ro cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt để cho các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo sinh kế cho người dân tại các vùng dự án, để khi các dự án hoàn thành đi vào hoạt động thì người dân khu vực dự án có được các chính sách sinh kế để phát triển, tạo điều kiện ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.