Cánh đồng muối xã Bạch Long từ xưa vốn là vùng đất được bãi biển bồi đắp thêm. Người dân từ khắp mọi nơi đổ về đây sinh sống, lập làng, lập xã ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược. Đến nay, xã Bạch Long đã trở thành vùng đất màu mỡ với nghề chính là nghề làm muối. Mùa làm muối của diêm dân Bạch Long bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 hàng năm khi mùa mưa xuất hiện. Để làm ra những hạt muối trắng tinh thì diêm dân thường bắt đầu công việc từ sáng sớm tinh mơ khi những tia nắng còn chưa xuất hiện và kết thúc vào chiều tối muộn.
|
Cánh đồng muối xã Bạch Long |
|
Để làm ra hạt muối, người nông dân phải dậy từ sáng sớm tinh mơ |
|
Theo quy trình làm muối, diêm dân phải phơi cát cho khô, làm sạch trước khi đưa vào chạt lọc nước |
Đến cánh đồng muối Bạch Long vào những ngày này, chúng ta sẽ được trải nghiệm nghề làm muối ở đây với nhiều điều khác lạ. Khác với mọi nơi chỉ cần múc nước biển lên phơi, nhưng với diêm dân Bạch Long phải thêm công đoạn phơi cát và “lọc cát” khá độc đáo. Gắn bó với nghề làm muối đã quá nửa đời người, ông Bùi Ngọc Thiên, xã Bạch Long huyện Giao Thủy lý giải: Nước biển vùng biển Giao Thủy gần cửa sông nên nồng độ mặn thấp, chính vì vậy quy trình làm muối ở đây phải có thêm công đoạn phơi cát, lọc cát để tăng nồng độ mặn.
|
Nước biển được người dân Bạch Long lọc qua "chạt", từ đó nước biển sẽ được đưa vào thống chứa nước trước khi đổ vào các ruộng muối |
Theo chân những diêm dân Bạch Long, chúng ta hiểu phần nào công việc làm muối của họ vô cùng nặng nhọc và vất vả. Vào lúc 6 giờ sáng, công việc đầu tiên của họ là ngâm cát cùng nước biển và làm đất. Trên những cánh đồng muối, rất nhiều ô đất được khoanh lại theo hình chữ nhật để làm mịn bề mặt như sân đất nện, sau đó đổ cát ngấm nước phơi lên trên. Thỉnh thoảng, chủ nhân của ruộng muối lại phải tưới thêm nước biển lên sân để tăng độ mặn. Khi có nắng, sau 8 tiếng đợi nước biển bốc hơi là đã có muối kết tinh bám theo bề mặt cát.
|
Đổ nước vào sân phơi cũng được diêm dân tính toán kỹ càng thời điểm hấp thụ ánh nắng |
Công việc phơi cát hoàn thành cũng là lúc mặt trời lên cao, đây cũng là thời điểm lý tưởng để diêm dân bắt đầu công đoạn làm muối. Nước biển được dẫn từ ngoài biển vào được lọc cùng cát qua chạt (cát đã được phơi nắng) chảy vào thống con, rồi qua thống cái. Diêm dân dùng những chiếc bầu múc nước từ thống cái đã được tinh lọc có độ mặn hơn nước biển rồi đổ lên những chiếc sân phơi bằng xi măng như những ô bàn cờ khổng lồ. Việc đổ nước biển lên sân phơi được người dân làm hết sức thành thạo, ô nhỏ thì 2 bầu, ô lớn 3-4 bầu, lượng nước nhiều ít cũng phải tùy thuộc nắng to hay nhỏ, nếu không khéo muối sẽ bị “khê” hoặc không kết tinh được.
|
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của diêm dân trên cánh đồng muối |
Tranh thủ thời gian buổi trưa hiếm hoi về nhà ăn cơm, 13 giờ chiều những diêm dân Bạch Long lại quay trở lại cánh đồng muối để hoàn thành tiếp những công đoạn làm muối. Cát phơi đã bắt đầu khô bề mặt từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối trắng nhỏ li ti. Lúc này công việc thu gom cát bắt đầu, diêm dân thu cát thành từng luống rồi xúc lên xe cút kít.
|
Diêm dân thu hoạch những mẻ muối sau một ngày lao động dài |
Dưới cái nắng như thiêu như đốt, hình ảnh những diêm dân in bóng dài trên cánh đồng muối đang đội nắng hối hả, tất bật dùng bạt, xẻng để gom những mẻ muối trắng ngần. Những đụn muối nhỏ trắng tinh được cào trong ruộng, lấp lánh phản chiếu dưới ánh mặt trời, đợi thương lái đến thu mua hoặc đưa vào trong kho. Do muối miền Trung và miền Nam năm nay mất mùa nên muối của bà con diêm dân Bạch Long làm đến đâu thương lái thu mua hết đến đó, ít tồn kho. Bình thường giá muối mọi năm ở đây chỉ khoảng 1 nghìn đồng đến 1,4 nghìn đồng/kg, năm nay được giá, bán tại ruộng cũng được 2 nghìn đồng/kg.
|
Những bao muối sẽ được thương lái thu mua ngay tại cánh đồng |
Đến cánh đồng muối Bạch Long được chứng kiến cũng như trải nghiệm chúng ta mới hiểu, cảm nhận được phần nào những khó khăn vất vả của diêm dân chân chất thật thà nơi đây - những người ngày ngày đội nắng chắt lọc sự tinh túy của biển cho đời.