“Pho sử sống” của đồng bào Thái
Nghệ nhân Lò Văn Biến sinh năm 1933 ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm (Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Ông được ví như “Pho sử sống” của đồng bào Thái bởi vốn kiến thức phong phú về văn hóa Thái và tinh thần truyền dạy không mệt mỏi.
Nghệ nhân Lò Văn Biến trò chuyện cùng các cháu nhỏ về văn hóa Thái |
Nhờ có ông, những tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của người Thái như: Hồ sơ về khu Rừng hồn trâu và Nậm Tốc Tát, hồ sơ về khu di tích lịch sử bản Viềng Công… đã được dịch và lưu lại cho con cháu thế hệ sau. Ông cũng là người góp công lớn vào việc khôi phục các lễ hội: “Xên bản xên mường”, “Lồng tồng”; “Hạn Khuống” - một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai của người Thái. Nói về lý do gắn bó với công việc nghiên cứu văn hoá Thái, ông Biến chia sẻ: Bố ông là một trong những trí thức có tiếng ở Nghĩa Lộ thời đó, ông lưu giữ rất nhiều sách chữ Thái cổ. Năm ông Biến lên 7 tuổi, bố ông đã gửi con sang nhà thày mo Lò Văn Phớ, người giỏi chữ Thái nhất, biết hát nhiều điệu hát của người Thái nhất để học chữ. Khi biết đọc, biết viết chữ Thái, ông Biến thường mang những cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ ở nhà ra đọc. “Càng đọc càng thấy thích, thấy mê. Có sách răn dạy con người làm điều lành tránh điều ác, có sách dạy bà con canh tác, trồng trọt, rồi sách dạy cách phán đoán thời tiết… Có sách kể chuyện cha ông ta đánh giặc, lại có những cuốn sách dạy ta cách làm người, dạy con cháu nhiều điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế…”.
Năm 13 - 14 tuổi, ông Biến đã thuộc làu từng câu trong cuốn “Tiễn dặn người yêu” – một tác phẩm văn học lớn của dân tộc Thái. Năm ông 20 tuổi, bố ông Biến đưa cho ông cuốn “Kể chuyện bản Mường”, cuốn sách nói về việc người Thái từ đâu đến, phát triển như thế nào… và bố ông bắt đầu trò chuyện với ông về văn hoá người Thái. “Rất nhiều nghiên cứu, bài phát biểu của tôi về văn hoá người Thái được bắt đầu từ những câu chuyện của bố tôi ngày xưa” – ông Biến cho hay.
Truyền sức sống cho 6 điệu xòe cổ
Trong rất nhiều đóng góp của nghệ nhân Lê Văn Biến với văn hóa Thái, đáng ghi nhận hơn cả là công lao của ông trong việc khôi phục 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mường Lò. Bao gồm: Khắm khen (Nắm tay nhau), Ðổn hôn (Bước tiến lùi), Phá xí (Bố bốn), Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu); Ỏm lọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn). 6 điệu xòe cổ này, được sắp xếp theo tuần tự ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của người Thái, thể hiện qua các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng. “Khi chúng ta xòe đều nắm tay nhau, điều ấy giúp mọi người gắn kết lại, đoàn kết nhất trí, cùng giơ tay tức là cùng một lòng…”.
Ông Biến nhớ lại: Trước đây, nhiều đội văn nghệ không biết và cũng không thể hiện được hết các điệu xòe cổ. Khi đó, ông đã được chính quyền địa phương mời đến để truyền dạy cho lớp trẻ. Nhận thấy việc này là quan trọng, ông Biến bất chấp tuổi tác và sức không còn khỏe, vẫn nhiệt tình truyền dạy cho các đội văn nghệ của bản, của xã, của phường. Đến nay, tất cả 7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ, lúc nào cũng có thể phục vụ du khách phương xa. Hoạt động tích cực của các đội văn nghệ đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái ở Nghĩa Lộ.
Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015, xòe Thái đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thông tin này khiến người Thái ở Mường Lò vui một thì nghệ nhân Lò Văn Biến vui mười bởi công sức của ông đã được đền đáp. Với việc được công nhận là di sản – xòe Thái không chỉ được duy trì mà còn không ngừng phát triển, để giai điệu, tinh thần của xòe Thái mãi bay bổng và lan tỏa.