Các doanh nghiệp mong điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp để tiếp cận vốn trong mùa làm ăn cuối năm |
Những ngày cuối tháng 9, đồng loạt nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất huy động tiền đồng ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, các kỳ hạn dưới 1 năm được một số ngân hàng điều chỉnh giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm. Lãi suất huy động đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng đã xuống thấp nhất trong lịch sử nhiều năm qua. Trong bản tin Trái phiếu tuần số 37 (từ 19-23/9/2016) vừa được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố đã đưa ra dẫn chứng: Lãi suất liên ngân hàng tuần qua mặc dù diễn biến giảm sâu chạm mức 0,25%/năm (ở cả ba loại kỳ hạn) trong ngày Thứ 3 nhưng sau đó đã nhích dần lên. Tuy nhiên, xét mức lãi suất trung bình các loại kỳ hạn vẫn tiếp tục giảm nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,06% về mức 0,49%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn một tuần và hai tuần giảm mạnh hơn, lần lượt 0,12% và 0,22% về mức 0,54% và 0,67%/năm.
Trạng thái thanh khoản dư thừa còn được thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều tiết cung cầu tiền đồng trên thị trường thông qua việc phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn. Cụ thể, tín phiếu kỳ hạn 14 ngày tiếp tục được phát hành với tổng giá trị trong tuần đạt xấp xỉ 54.999 tỷ đồng, trong khi lượng tín phiếu đáo hạn đạt 42.000 tỷ đồng. Do vậy, thông qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng 12.999 tỷ đồng từ thị trường.
Từ diễn biến thị trường hiện nay, BVSC đã đưa ra dự báo, trạng thái dư thừa thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn duy trì và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn trong vài tuần tới.
Thực tế này cho thấy, nền kinh tế có quyền kỳ vọng một mặt bằng lãi suất cho vay mới được thiết lập nhằm kích cầu mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thủy- Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông - bày tỏ: Mặc dù có chính sách ưu đãi lãi suất nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi suất khá cao, từ 11-14%. “Hiện nay, lãi suất huy động đã giảm, thanh khoản dư thừa, ngành ngân hàng nên xem xét để có sự điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn trong mùa làm ăn cuối năm” - ông Thủy đề xuất.
Đồng quan điểm này, bà Hoàng Thanh Hằng - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Bắc Ninh - kiến nghị: Bên cạnh việc xem xét giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn thông qua việc nới lỏng các quy định cho vay, chấp nhận cho vay tín chấp hoặc cho doanh nghiệp được dùng hàng tồn kho để thế chấp vay vốn ngắn hạn.
Theo NHNN, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. |